4.10.14

Về Mường Phăng dâng hương Đại tướng

Vũ Trọng Thái *

Mang theo tâm nguyện lên Mường Phăng để dâng hương và thắp 103 ngọn nến đã được chuẩn bị từ Hải Phòng, để tưởng nhớ Đại tướng, tôi trở lại Điện Biên vào một ngày gần cuối tháng 10. Dẫu chỉ là một người bình thường, như muôn người con dân nước Việt; dẫu biết rằng sự ra đi của Đại Tướng là quy luật của sinh tử, là lẽ trời đất xưa nay, nhưng với tôi cũng như mỗi người dân, người lính của chúng ta thì đây là nỗi đau, nỗi mất mát vô cùng to lớn. Riêng tôi, kỉ niệm được đến thăm Đại tướng tại nhà riêng cách đây 5 năm trước (22/01/2008), mãi mãi là một kỉ niệm không bao giờ quên, vì vậy chuyến đi này với tôi rất đỗi có ý nghĩa, nhưng cũng như tình cảm của bao người đối với Đại tướng. 



Tôi cùng Vũ Đình Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Song Hùng, một doanh nhân khá nổi tiếng không chỉ năng động trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn là một Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ đầy nhiệt huyết của Điện Biên, lên đường bằng con xe 7 chỗ của anh. Anh là một người Thái Bình lên lập nghiệp ở Điện Biên gần 15 năm nay, sau những tháng ngày bươn chải ở nước ngoài về.

Từ thành phố Điện Biên vào Mường Phăng có hai đường đi, một đường theo lối quốc lộ xuôi về Hà Nội, cách thành phố chừng 20km thì rẽ vào; còn một lối gần hơn là con đường Nà Nghè - Mường Phăng, đi vất vả hơn vì đường xấu và dốc, nhưng bù lại đi lối này mới được thăm ngắm cảnh đẹp đặc thù của vùng Tây Bắc. Đi được chừng nửa cung đường, đến chỗ sườn núi cao nhất tự nhiên không gian khoáng đạt, mở rộng ra trước mắt, không bị vướng tầm nhìn vì cây cối. Một cảnh sắc bởi thiên nhiên và con người tạo ra như một bức tranh phong cảnh không gì đẹp hơn: cung đường như một con rắn khổng lồ, uốn lượn trên các sường núi cao; phía xa xa hồ nước Pa Khoang lấp lánh ánh bạc, làm nền cho những thửa ruộng bậc thang lúa chín óng vàng từ các sườn núi đến tận chân núi trông thật thích mắt. Cứ ngẫm, cũng như nhiều điểm tham quan khác của Điện Biên, giá như con đường Nà Nghè vào Mường Phăng này được đầu tư, cải tạo lại một cách xứng đáng, không còn vừa hẹp lại lắm ổ voi ổ gà như bây giờ, thì sẽ còn thuận lợi hơn cho việc giao thông đi lại vào một khu di tích lịch sử lớn. Chắc chắn khi ấy sẽ càng thu hút được thêm nhiều khách muốn được tham quan, ngắm cảnh, nhất là dân “phượt” hay Tây ba lô vốn thích được khám phá trên những con ngựa sắt, không dễ gì bỏ qua những nơi giầu tiềm năng của ngành công nghiệp không khói Xứ Hoa Ban này.

Sau một hồi leo trên các sườn núi, xe chúng tôi xuôi xuống con đường hai bên là những thửa ruộng ngào ngạt hương lúa chín. Trung tâm xã Mường Phăng hiện ra trước mắt với những nếp nhà sàn truyền thống xinh xắn núp dưới những bóng cây trông thật yên bình. Khi bài toán điện, đường, trường, trạm ở nơi vùng sâu vùng xa có lời giải thì cuộc sống đã được cải thiện biết chừng nào, như một phép mầu vậy. Chúng tôi vào trong khuôn viên của Ban Quản lý khu di tích Mường Phăng. Tại đây, có một phòng để dành riêng làm nơi dâng hương Đại tướng được bố trí trên tầng 2 khu nhà còn khá khiêm tốn. Còn khi bước chân vào khu di tích của Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, thì tuyệt đối cấm lửa, hoặc hương khói để đề phòng hỏa hoạn. Tôi nghĩ như thế là khoa học và hợp lý, chỉ có điều cần đầu tư xây dựng một Nhà tưởng niệm nơi đây cho thật xứng với tầm vóc của Đại tướng thì chắc sẽ hợp với ý nguyện của bà con Điện Biên và bao người. Hai chúng tôi cẩn thận châm 103 ngọn nến, xếp thành hình ngôi sao năm cánh với vòng tròn xung quanh trên chiếc bàn nhỏ, rồi thành kính thắp hương tưởng niệm Đại tướng. Một cảm giác thật bồi hồi, xúc động và gần gũi lắng đọng trong hai chúng tôi, khi làn khói hương tỏa xung quanh. Trước đó cũng vừa có đoàn cán bộ của Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé, đoàn Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên vào đặt vòng hoa viếng Người. Một cán bộ của Ban Quản lý Khu di tích cho biết thời gian này, hầu như ngày nào cũng có nhân dân hoặc các đoàn khách từ khắp mọi miền về đây thăm viếng, thắp hương cho Đại tướng.

Sau khi làm lễ dâng hương lên bàn thờ Đại tướng, rời Ban Quản lý Khu di tích, chúng tôi vào thăm nơi cách đây ngót 60 năm trước Đại tướng cùng Bộ chỉ huy chiến dịch và bộ đội ta đã làm nên một “Điện Biên chấn động địa cầu”. Khu rừng đại ngàn Mường Phăng được người dân ở đây gọi bằng một cái tên trìu mến và gần gũi: Rừng Đại tướng! Thật trên thế giới này khó tìm đâu ra điều thứ hai như thế về tình cảm của nhân dân với một vị Tướng quân sự như ở Việt Nam dành cho Đại tướng. Khu rừng nguyên sinh với đủ loại cây rừng cổ thụ, quý được bảo quản cẩn thận, giữ nguyên trạng. Đi theo con đường dưới tán rừng xanh, một cảm giác trầm hùng, thiêng liêng như quyện với chúng tôi theo suốt dọc đường, thế mới hiểu vì sao mà cách đây 12 năm, nhạc sĩ Doãn Nho đã phải lên đây nhiều lần để được thấm đẫm, đắm chìm trong không gian này mà suy tưởng để viết lên được những giai điệu hùng ca của nhạc phẩm giao hưởng Có một khu rừng như thế, một trong những ca khúc hay nhất viết về Đại tướng… Bây giờ khu di tích đã được phục chế, tôn tạo lại để việc giữ gìn cố gắng gần với nguyên trạng, nhằm phục vụ khách tham quan có thể hình dung mà nhớ về những năm xưa, nhưng chắc chắn một điều rằng để bảo đảm bí mật thì 60 năm về trước nơi đây còn um tùm rừng rậm nhiều hơn, không thể phong quang như thế này. Nói thế để hiểu rằng sự gian khổ, thiếu thốn mà Đại tướng và những cộng sự cùng các chiến sĩ ta phải chịu đựng lớn biết chừng nào. Kia là hầm tổng đài điện thoại, cùng lán ngủ của các điện báo viên. Sơ sài và giản dị. Thế nhưng từ nơi đây, những mệnh lệnh tác chiến được truyền đi đến từng đơn vị, góp phần hết sức quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử. Đi sâu vào chút nữa là lán ở và đồng thời cũng là nơi làm việc của Đại tướng. Một chiếc lán nhỏ được lợp và xung quanh bưng bằng cót ép và lá gồi, rộng chưa đầy chục mét vuông ngăn làm hai. Bàn ghế làm việc, tiếp khách và giường ngủ được ghép bằng những thanh tre, bương, một đặc sản của núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc. Nhìn nơi ăn nghỉ, làm việc của Đại tướng, chỉ có thể nói bằng cụm từ: bình dị và gần gũi! Bên đầu hồi lán có cửa đi xuống hầm chỉ huy. Đây như một địa đạo trong lòng đất, sâu hun hút chừng hơn 200m chiều dài, có nhiều ngách cho các bộ phận làm việc, thông ra tận các lán của Bộ chỉ huy chiến dịch như: lán của đ/c Thiếu tướng, Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái, hội trường nơi Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập các cuộc họp cán bộ quan trọng, Sở chỉ huy tác chiến… Tất cả được bố trí, nối với nhau một cách khoa học và hợp lý nhất dưới con mắt của các nhà quân sự… Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn nhân dân cùng vào thăm viếng nơi di tích xưa của Đại tướng và chiến dịch. Có đoàn là bà con từ Mường Nhé xuống, có đoàn là các cán bộ hưu trí tận Lạng Sơn lên…, mỗi người một phương, nhưng qua hỏi thăm, nói chuyện thì ai cũng chung một niềm tiếc thương và kính phục Đại tướng, muốn được đến tận nơi năm xưa Người đã ăn ở và làm việc trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, như một việc làm để tri ân vị Tướng huyền thoại - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(*) Tác giả gửi trực tiếp cho chúng tôi.