Theo nghiên cứu của Nielsen, các thương hiệu “mang lại cảm giác chia sẻ” trong các thông điệp quảng cáo thường sẽ có kết quả kinh doanh khả quan nhiều hơn vì đây chính là thông điệp tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất và hiệu quả nhất trong giai đoạn Tết.
Ảnh minh họa.
Dịp Tết Nguyên đán 2016 sẽ diễn ra vào đầu tháng 2/2016, đi cùng với đó là những mong đợi cho một mùa kinh doanh nhộn nhịp nhất vào mùa lễ hội lớn nhất tại Việt Nam. Đối với nhiều doanh nghiệp, mùa Tết là dịp đặc biệt quan trọng để ghi dấu nhãn hiệu của mình trong tâm trí khách hàng đồng thời cũng là dịp để tăng doanh thu cho ngành hàng.
Nhiều ngành hàng tiêu dùng nhanh có khả năng đạt được mức doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian này. Ví dụ, ngành hàng bánh quy có cơ hội tăng doanh số đến hơn 49% trong dịp này, một con số đầy sức thu hút đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Kinh doanh trong mùa tết sẽ có nhiều thay đổi. Nguồn: Nielsen.
Theo nghiên cứu của Nielsen, các thương hiệu “mang lại cảm giác chia sẻ” trong các thông điệp quảng cáo thường sẽ có kết quả kinh doanh khả quan nhiều hơn vì đây chính là thông điệp tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất và hiệu quả nhất trong giai đoạn Tết. Chính những hành vi mua sắm và chi tiêu này sẽ tạo ra nhu cầu định hướng cho nhiều ngành hàng khác nhau.
Các ngành hàng quan trọng và được tiêu dùng vượt trội mang lại doanh thu cao nhất trong mùa Tết đó là ngành hàng bánh kẹo, nước giải khát, và Bia. Doanh số chỉ trong 3 tháng Tết đóng góp đến 28% tổng doanh số hằng năm của ngành hàng nước giải khát. Doanh số của bia trong tháng tết cũng tăng 1,5 lần so với các khoảng thời gian còn lại trong năm.
Thế nên, khi những ngành hàng này tham gia cuộc chơi, sự cạnh tranh vào dịp Tết mỗi năm lại càng trở nên khốc liệt hơn. Các nhà sản xuất cũng đang đẩy hàng dự trữ và kiểm soát số lượng hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ trước Tết hiệu quả hơn nhằm mục đích hàng Tết được lên kệ sớm và được bán đến tay người tiêu dùng đúng thời điểm.
Ở một khía cạnh khác, các nhà bán lẻ cũng đang tạo nên những xu hướng và có hành vi kinh doanh của riêng họ. Theo báo cáo về nhu cầu nhà bán lẻ do Nielsen Việt Nam thực hiện, chỉ số niềm tin nhà bán lẻ (RCI - Retailer Confidence Index) đang có xu hướng tăng dần. Nếu như trong quý II RCI đạt mức 72 điểm thì trong quý III, RCI đã tăng 4 điểm, đạt 76 điểm.
Điều này cũng thể hiện sự khởi sắc của thị trường như dự đoán của chính phủ về sự tăng trưởng của nền kinh tế. Theo báo cáo này của Nielsen, 24% nhà bán lẻ cho biết họ sẵn sàng tăng dự trữ hàng Tết trong dịp Tết 2016 sắp tới so với cùng thời điểm năm ngoái, điều này phản ánh niềm tin của họ vào thị trường mùa Tết năm nay.
Thêm vào đó, báo cáo của Nielsen cũng chỉ ra rằng trong số các nhà bán lẻ nói trên có đến 87% dự tính sẽ tăng dự trữ hàng hơn 10% trong dịp Tết. Các nhà sản xuất cũng cần phải nhận thức rõ một điều rằng: đi kèm những thông tin đầy triển vọng này là những kỳ vọng mới mà nhà bán lẻ đặt ra với các nhà sản xuất.
Chính vì vậy, các nhà sản xuất cần phải nắm rõ không chỉ là sự thay đổi trong ngành hàng họ kinh doanh mà còn phải hiểu rõ những đổi mới và tác động khác nhau giữa các ngành hàng. Nếu không, các nhà sản xuất sẽ gặp rất nhiều đe dọa ngay chính trên sân chơi của mình.
HOÀNG LY
Nguồn: bizlive.vn/tamhaiphong.vn