Một ngày mệt mỏi với phố phường đông đúc, người ta lại muốn về với đồng quê xanh mát cỏ cây, trời rộng trên đầu, ruộng đồng bao la trải dài... Một ngày như thế, bạn có thể thiết kế một tour “Du khảo đồng quê” của riêng mình, với lịch trình hoàn toàn theo ý thích. Đi đến những nơi có giống vật nuôi mới, lạ ở Hải Phòng là một ý tưởng không tồi. Bạn sẽ thấy một bức tranh cuộc sống thật khác với muôn màu, muôn vẻ…
Nơi đàn hươu sao nhảy nhót
Một ngày mùa xuân nắng ấm, chúng tôi theo tỉnh lộ 352 thẳng tiến về xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên. Đến nhà anh Bùi Văn Tám ở thôn Niêm Ngoại, chúng tôi thích thú ngắm những con hươu sao đang giương mắt ngơ ngác tròn xoe nhìn người lạ. Cái nắng mùa xuân như ngời lên trong khu vườn rộng của anh Tám, đây là vườn chuối cây san sát, kia là vườn xoan, vườn cỏ voi… Tất cả đều để làm thức ăn cho đàn hươu sao.
Đó là những con hươu được mang về từ núi rừng Hương Sơn (Hà Tĩnh). Bình thường anh Tám duy trì đàn hơn 20 con, lúc cao điểm là 26 con, chủ yếu để bán nhung hươu và con giống. Anh nói: “Nuôi bọn này nhàn lắm, công chăn 10 con hươu sao chỉ bằng chăn 1 con bò! Chúng ăn đủ các thứ lá thập cẩm, nào là cỏ voi, lá mơ, lá sắn, xoan, bạch đàn, keo… và điều đặc biệt là chúng chơi cả ngày, đêm mới ăn”. Chỉ ăn cỏ lá mà con nào con nấy béo khỏe, mượt mà, phi qua hàng rào cao mấy mét cứ nhẹ tựa như bay.
Hươu sao ở Kỳ Sơn, Thủy Nguyên
Bây giờ, khi mùa xuân tới gọi cây lá đâm chồi nảy lộc cũng là lúc lộc hươu bắt đầu nhú lên. Anh Tám lại chuẩn bị chuối, cà rốt, ngô… cho hươu ăn. Anh bảo, trong một tháng rưỡi, từ lúc mọc nhung cho đến lúc cắt, không cho hươu ăn lá cỏ nữa mà phải bồi dưỡng nhiều thức ăn bổ để chúng cho nhung tốt.
Anh còn bật mí: “Khi hươu mọc nhung, cần một loại thức ăn không thể thiếu là lá xoan. Nếu không được ăn lá xoan, nhung hươu sẽ không đạt chất lượng tốt nhất”. Lá xoan còn là thuốc chữa bệnh cho đàn hươu. Nếu thấy hươu có dấu hiệu bị bệnh đường ruột thì phải cho ăn lá xoan ngay. Để hươu bị nặng thì không chữa được, kể cả các loại kháng sinh cũng chào thua. Những khi hươu yếu bụng, anh Tám không cho chúng ăn cỏ mà chỉ cho ăn lá xoan, lá ngái.
Chỉ vào một con hươu cái đang sắp đẻ, anh Tám cho biết, hươu cái 2 tuổi thì bắt đầu đẻ mỗi năm một con. Còn hươu đực 2 năm tuổi bắt đầu cho nhung, cứ mỗi năm lại cắt một lần. Năm đầu tiên thì hươu cho nhung ít, khoảng 150g, năm sau tăng lên 300g, năm tiếp theo cho 500g, từ năm thứ 6-8 trở đi thì cho ổn định khoảng 700-800g mỗi năm. Hươu có thể cho nhung từ 15-20 năm, có khi lên tới 25 năm. Nhung hươu là mặt hàng quý. Hiện anh Tám bán 20 - 25 triệu đồng/kg nhung mà không có đủ để cung cấp cho khách hàng. Người dân ở khắp nơi tìm về mua nhung làm thuốc bổ, rồi thương lái các tỉnh, các hiệu thuốc đông y… cũng tấp nập tìm đến.
Nơi có giống gà quý phi “nhảy” tàu biển về
Dẫn chúng tôi đi qua các cánh đồng Tràng Cát, anh Nguyễn Quốc Nhật, Chủ tịch Hội Nông dân phường hào hứng giới thiệu với chúng tôi về mô hình nuôi gà quý phi ở đội 2. “Đây là một minh chứng sống động cho việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, chuyển từ loại con giống thường sang con giống chất lượng cao. Gà quý phi có hình thái đẹp, chất lượng thịt ngon, tiêu thụ tốt nên giống này đang dần trở nên thịnh ở Hải Phòng”.
Bước vào khu trang trại rộng rãi có đủ chuồng trại, ao cá, bãi chăn thả…, khách tới thăm sẽ hết sức ấn tượng với hàng trăm con gà quý phi lông đốm đen - trắng bồng lên như cái nón, mào vươn lên như chiếc vương miện (nên mới được đặt tên là gà quý phi), mắt đỏ, chân hồng trông rất lạ mắt.
Bác Đặng Lợi Quang, chủ trang trại, cho hay: Cái mào là điểm nhấn đặc sắc của gà quý phi. Ngoài mào ra thì số cựa gà cũng góp phần quan trọng để “định vị” con gà trên thang bậc quý, đẹp. Nhiều con có 6 cựa trở lên, số có 7-8 cựa ít hơn, 9 cựa là “cực đỉnh” và cực hiếm. Chính vì hiếm, quý nên một con 9 cựa giá cả là “ngoại hạng”, tùy theo thỏa thuận giữa người mua và người bán.
Gà quý phi ở Tràng Cát
Bác Quang vui vẻ kể: “Chúng tôi nuôi gà cảnh nhiều năm rồi, rất thích giống gà quý phi này. Lứa gà đầu tiên phải nhờ thuyền viên mua trực tiếp tại Hồng Kông, giá không “dễ chịu” chút nào: 1 triệu đồng một con hơn nửa tháng tuổi về nuôi làm cảnh. Đó cũng là những con gà quý phi đầu tiên được nuôi ở Hải Phòng. Về sau thấy thịt gà rất ngon, bán được giá cao (400-500 nghìn đồng/kg) trong khi chi phí không đáng kể nên chúng tôi mới cho gà ấp nở, dần phát triển đàn lên”. Đến nay, có nhiều nhà cũng nuôi gà quý phi sau khi mua giống của trang trại. Gà quý phi nay không chỉ làm cảnh mà còn là một đặc sản ngon, bổ, lạ.
Nơi có “tổ” dế vĩ đại rộng 100m2
“Tổ” ở đây là cái lán chật ních những thùng các-tông đầy dế của ông Vũ Văn Tỷ - một cựu chiến binh ở thôn Linh Đông 3, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo. Lúc chúng tôi đến, ông đang lúi húi trong “tổ” dế, tỉ mỉ kiểm tra từng centimet vuông lán trại để đảm bảo không có chú kiến láu lỉnh nào lẻn vào ăn mất dế con hoặc chuột, gián phá hoại hay lán bị hổng khiến gió lạnh lùa vào làm chết dế… Dế hợp với khí hậu nóng nên chúng phát triển mạnh trong mùa hè. Còn mùa này, thời tiết lạnh, các nhà nuôi dế quanh vùng đều không giữ được dế qua đông, chúng theo nhau lăn ra chết, riêng nhà bác vẫn có dế bán hằng ngày. Tất cả đều nhờ kinh nghiệm mà bác tự đúc kết được trong quá trình nuôi dế mấy năm nay.
Bác Tỷ bên những thùng dế của mình
Bên trong cái lán được che chắn rất kỹ bằng vải bạt và nilon là rất nhiều thùng các tông cỡ khoảng 1x2m - những “ngôi nhà” của dế. Mỗi “ngôi nhà” như thế gồm 2 tầng, do bác Tỷ tự chế từ hộp các-tông, xốp, mảnh gỗ vụn và khay (vỉ) đựng trứng bằng giấy. Tầng dưới là các vỉ trứng được đục lỗ, xếp chồng lên nhau tạo nhiều “phòng” cho dế ở, tầng trên để trải rau cỏ cho dế lên ăn…
Các thùng được dán băng dính quanh mép để dế không thể bò qua ra ngoài được. “Nuôi dế trong thùng để bắt dễ mà dọn dẹp cũng dễ, lại gọn gàng. Một thùng này giá trị hơn cả tạ thóc đấy” - bác Tỷ cười, niềm vui ánh lên dưới hàng mi đã ngả bạc của người cựu chiến binh già.
...
Lúc cao điểm, bác nuôi tới 80 thùng dế như vậy. Mỗi thùng cho thu hoạch 20kg dế. Giá bán cao nhất lên đến 300 nghìn đồng mỗi kg. Loại bé thì những người mua gom bán lại cho người nuôi chim, cá cảnh, nhất là ở chợ Hàng. Loại lớn thì họ đem buôn khắp các nơi cho các nhà hàng, quán ăn… Vừa rắc rau cho dế ăn bác vừa nói, con dế thực sự là loại thực phẩm sạch vì chúng tối kỵ với các loại rau cây nhiễm thuốc sâu. “Gia đình tôi phải trồng riêng 3 sào rau muống cho dế ăn chứ không dám mua các loại rau cải, xà lách su hào ngoài chợ vì dế ăn vào là chết sạch!”.
Bác chia sẻ: “Nuôi dế nhàn lắm, lá gì nó cũng ăn. Các loại rau, cỏ, rồi bèo tây, cây dại… chúng chén tuốt. Nhưng dế cho thịt ngon nhất khi chúng được ăn thức ăn là dây khoai và rau muống”.
Xem công trình nuôi dế và nghe bác nông dân say sưa kể về dế, niềm đam mê của bác dường như truyền sang cả chúng tôi. Nuôi dế dễ, thu nhập cao nhưng không phải ai cũng nuôi được và cho sinh sản thành công như bác Tỷ. Có lẽ, ngoài sự cần cù, tỉ mỉ, để nuôi được loài hoang dã này cần nhiều tâm huyết và cả sự “mát tay”.
Hân Minh, Adm
Bài đã đăng trên anhp.vn