24.1.15

Từ giảng viên đại học thành anh chàng thợ xăm

Vũ Minh Hương, Ad – Thủy Chung
Phóng viên trao đổi cùng Tuấn Anh
Tác giả trao đổi cùng Tuấn Anh
Có một chàng trai người Hải Phòng, bất chấp sự phản đối của gia đình, sẵn sàng từ bỏ công việc là giảng viên đại học - mơ ước của không ít bạn trẻ hiện nay, “khăn gói quả mướp” vào Nam để tìm thầy học hỏi về xăm nghệ thuật (tattoo art). Và rồi anh đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong giới xăm nghệ thuật Hải Phòng. Trong cuộc thi Vietnam Tattoo Convention 2013 tại TP HCM, anh lại ghi dấu ấn bằng hình xăm độc đáo tôn vinh “tình yêu - sắc đẹp - hòa bình” trên chính cơ thể người vợ của mình.
Đường đến thành công…
Ngày Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1985) thông báo với gia đình về quyết định nghỉ việc để vào Nam học nghề xăm cũng là ngày chấn động nhất đối với bố mẹ anh. Từ bỏ công việc giảng viên hướng dẫn thực tập của khoa Cơ khí chế tạo máy - ĐH Hải Phòng với thu nhập ổn định để theo đuổi cái nghề mà xã hội còn nhiều định kiến là một quyết định khá táo bạo và liều lĩnh của Tuấn Anh.
Anh chia sẻ: Việc trở thành giảng viên đại học ban đầu hoàn toàn theo định hướng của gia đình, bởi bố mẹ nào sinh con ra, nuôi con khôn lớn đều mong muốn con có một công việc tốt, có thu nhập để lo cuộc sống. Nhưng công việc giảng dạy ở trường không khơi dậy trong anh niềm hứng thú, nhiệt tình. Chỉ có vẽ tranh - sở thích từ thuở nhỏ của Tuấn Anh là đem lại cho anh niềm vui.


Chính người họa sĩ hàng xóm đã giúp anh tìm đến hội họa và từ hội họa, Tuấn Anh tìm ra được đam mê của mình: xăm nghệ thuật. Để theo đuổi đam mê của mình, anh đã chấp nhận chịu sự giận dữ của cha mẹ, đánh đổi công việc thu nhập khá và những tháng ngày ổn định, sung túc để lao vào giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.
Năm 2012, anh cùng cô vợ trẻ mới mang bầu 3 tháng “khăn gói quả mướp” vào TP HCM học nghề hàng năm trời. Trong gian đoạn khốn khó ấy, cô vợ trẻ xinh xắn Hải Yến - từng là sinh viên khoa Ngoại ngữ, ĐH Hải Phòng - luôn đồng hành, hỗ trợ chồng. Chính anh cũng đã truyền niềm yêu thích nghề xăm cho vợ, giúp cô trở thành một trong những thợ xăm thẩm mỹ có tiếng tại Hải Phòng hiện nay.
Vạn sự khởi đầu nan, công việc anh theo đuổi không hề đơn giản như anh nghĩ, khi mà trong suy nghĩ của nhiều người, xăm nghệ thuật chỉ dành cho “dân chơi”. Nhưng anh chưa bao giờ hối hận vì quyết định của mình, bởi với anh, “đó là con đường mình đã chọn, là một công việc nghiêm túc chứ không phải một cuộc chơi. Bởi vậy mình luôn tin tưởng vào lựa chọn của bản thân. Khó khăn về vật chất nhưng mình hoàn toàn thoải mái về tinh thần”. Hiện nay, hai vợ chồng Tuấn Anh trở thành đôi thợ xăm có tiếng tại đất Cảng và cùng nhau mở một cửa hàng nhỏ trên đường Tô Hiệu, Lê Chân.
 Tuấn Anh trình diễn lại quá trình xăm kín lưng cho vợ
Tuấn Anh trình diễn lại quá trình xăm kín lưng cho vợ
Trong cuộc thi Vietnam Tattoo Convention 2013 tại TP HCM, Tuấn Anh thu hút sự chú ý của đông đảo bạn trẻ bằng nét vẽ có hồn, động tác thuần thục và chuẩn xác. Lần đầu tiên tham gia một sân chơi lớn dành cho những người đam mê xăm nghệ thuật ở Việt Nam, Tuấn Anh đã để lại ấn tượng tốt với mọi người bằng kĩ năng chuyên nghiệp. Hình xăm cô gái - hoa hồng - cánh chim với ý nghĩa “tôn vinh tình yêu - sắc đẹp - hòa bình” trên cơ thể vợ anh đã giành giải Nhì, thể loại tranh màu nhỏ. Chia sẻ về cuộc thi, Tuấn Anh cho biết: “Bức vẽ được mình thực hiện liên tục trong 6 tiếng đồng hồ.
Lần đầu tiên xăm hình lên cơ thể, lại là một bức vẽ khá công phu, chi tiết nhưng Yến không hề kêu đau, kiên nhẫn chờ mình hoàn thành và thỉnh thoảng còn cười động viên mình. Điều đó giúp mình quyết tâm phải hoàn thành bức vẽ thật đẹp. Được giải hay không với mình không quan trọng. Mà với mình, đó là hình xăm đẹp nhất tặng vợ, nó sẽ theo cô ấy suốt cuộc đời.
Khi máy xăm biến thành cây bút vẽ
Xuất hiện trong lễ hội xăm lớn nhất cả nước - Vietnam Tattoo Convention năm 2014, Tuấn Anh đã trình diễn lại quá trình xăm kín lưng cho vợ. Xăm nghệ thuật không chỉ đơn giản là “vẽ lên cơ thể” mà đối với người thợ xăm, đó là cả một công trình nghệ thuật tâm huyết, là bức tranh đẹp, mang ý nghĩa.
Nói về xăm nghệ thuật, theo Tuấn Anh: “Những bạn trẻ xăm mình không phải là người xấu, họ chỉ muốn thể hiện cá tính, sở thích yêu cái đẹp của bản thân hay đơn giản là muốn lưu giữ một kỉ niệm, chân dung người thân lên cơ thể”. Xăm nghệ thuật là sự sáng tạo nghệ thuật không phải trên giấy vẽ, bút mực thông thường mà là sự thể hiện bàn tay khéo léo, kết hợp tinh tế, hài hòa giữa khả năng hội họa và con mắt thẩm mỹ của người thợ. Nếu những người họa sĩ vẽ tranh trên giấy thì những người thợ xăm vẽ tranh trên chính cơ thể, họ biết “biến máy xăm thành cây bút vẽ” một cách điêu luyện và thuần thục nhất.
Quy trình tạo ra một hình xăm nghệ thuật vô cùng cầu kì, công phu và đòi hỏi sự chịu đau vô cùng lớn. Để sở hữu một hình xăm nghệ thuật trên cơ thể phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng và phải trải qua 3 quy trình cơ bản từ dựng hình, tạo khối đến vào màu. Mỗi công đoạn kéo dài hàng giờ đồng hồ, trong suốt thời gian đó người xăm không được hỗ trợ bất kì loại thuốc giảm đau nào. “Hình xăm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh bản thân, vì vậy trước khi xăm cho khách, mình đều tư vấn rất kĩ, phác thảo hình vẽ ra giấy trước khi thực hiện. Những bạn trẻ chưa đủ 18 tuổi, chưa thực sự chịu trách nhiệm với cuộc sống, mình không nhận làm. Đó là quy tắc và cũng là đạo đức nghề nghiệp mình học được từ chính người thầy của mình” - Tuấn Anh chân thành chia sẻ.
Những ngày tháng học nghề, điều Tuấn Anh học được không chỉ đơn thuần là kĩ năng, là kiến thức mà người thấy ấy còn truyền cho anh lòng yêu nghề, quyết tâm theo nghề và quan trọng hơn cả là đạo đức nghề nghiệp, là lương tâm, là trách nhiệm với những tác phẩm mình làm ra. Vì vậy, anh muốn giữ gìn những nét đẹp, nét độc đáo của môn nghệ thuật này.