Khác với nhà văn nhìn đời, nhìn người bằng con mắt lãng mạn thì nhà báo nhìn đời rất thật, có khi thật đến chát đắng. Trong văn học, nhân vật được tác giả dùng các thủ pháp nghệ thuật để xây dựng hình ảnh, đôi khi tính cách, số phận của họ là tổng hòa của nhiều số phận khác nhau, đại diện cho một tầng lớp xã hội nào đó.
Còn trong báo chí, nhân vật xuất hiện trên trang báo là những người tự viết lên câu chuyện của đời mình. Họ không đại diện cho tầng lớp nào, câu chuyện của họ cũng rất đời thường nhưng đáng để đọc, để nghe và cảm nhận. Họ tự quyết định hình ảnh của mình sẽ xuất hiện ra sao trên trang viết và nhiệm vụ của người “thư kí” lúc này là nhanh tay ghi chép lại một cách chân thực nhất. Không màu mè, văn hoa! Không giật gân, câu khách!
Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu nhân vật xuất hiện trong những bài viết của mình nhưng tôi hiểu, nhiều người đã để lại cho mình một sự khâm phục, một bài học nho nhỏ đáng quý. Chị Thủy - thợ may với đôi bàn tay tật nguyền, khuôn mặt nhăn nhúm, biến dạng vì bỏng nhưng may đồ rất khéo, rất đẹp đã cho tôi bài học về sự khao khát yêu thương và nỗ lực giành lấy hạnh phúc của những con người khiếm khuyết cơ thể nhưng đẹp trong tâm hồn.
...
Em Trang - một cô gái 20 năm mới biết đi, biết đứng trên đôi chân của mình nhưng sẵn sàng vượt qua thử thách leo lên đỉnh tòa nhà 32 tầng, vượt qua hàng trăm ứng viên trở thành nhân viên công nghệ của một công ty nước ngoài. “Giấc mơ nàng tiên cá” của Trang là bài học cho những bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, tự tin ngẩng cao đầu dù có thể bước đi còn chưa vững.
...
Họa sĩ La Viết Sinh với lớp học đặc biệt toàn học trò khiếm thính. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, họ kết nối với nhau thông qua tâm hồn yêu hội họa và đam mê lao động nghệ thuật nghiêm túc… Những con người ấy là những bông hoa đẹp và nhà báo chính là những người làm vườn tận tụy, phát hiện ra và tô điểm thêm cho vườn hoa cuộc đời thêm đượm sắc thơm hương.
...
Có thể nói, hiếm có nghề nào mang lại nhiều trải nghiệm như nghề báo. Mỗi phóng sự, mẩu tin đều để lại trong tôi những ấn tượng khó quên, đôi khi chỉ là một ánh mắt. Tôi nhớ như in cái lần gặp gỡ em Loan - sống với người mẹ điên và ông bà ngoại già yếu. Ánh mắt tự ti, xấu hổ với hoàn cảnh của em khơi gợi trong tôi nỗi niềm day dứt, xót xa trước phận đời ngang trái. Khi viết về Loan, bao trăn trở, băn khoăn ẩn hiện giữa những trang viết… nhưng cuối cùng, con chữ lại hiện ra, chạy dài theo mạch cảm xúc, chỉ bởi vì với những người làm báo, được sẻ chia hơi thở của cuộc sống là niềm hạnh phúc không gì bằng. Chia sẻ trên cơ sở tạo dựng lòng tin, cung cấp thông tin chính xác và chân thật nhất.
Nhà báo, ngoài trách nhiệm nghề nghiệp còn có cả trách nhiệm xã hội. Không chỉ dừng lại ở những trang viết, trách nhiệm xã hội khiến cho nhà báo có nhiều động lực để đồng hành và chia sẻ thật tận tâm, có trách nhiệm và tình cảm đối với bạn đọc của mình.Tôi đã đọc đâu đó quan niệm của một nhà báo lâu năm về nghề: "Nhà báo là những người chấm ngòi bút vào nỗi đau của nhân loại". Phát hiện và thông tin những “nỗi đau của nhân loại” ấy là một sứ mệnh cao cả mà lịch sử đã trao cho nhà báo, buộc họ phải tuân thủ nghiêm túc. Nhưng trên tất cả, tình người, sự thấu hiểu và sẻ chia là nguồn cội để người làm báo có trách nhiệm xoa dịu những nỗi đau ấy bằng con tim và khối óc của mình.
Là một nhà báo trẻ, tôi hiểu rằng, đối với người làm báo chân chính, đi để biết, nghe để hiểu, nhìn để học hỏi và không ngừng nỗ lực nâng cao kĩ năng chuyên môn. Nhà báo đưa những cái nghe-nhìn-học được từ xã hội vào trang viết một cách khách quan nhất và có trách nhiệm với những tác phẩm báo chí của mình. Không có gì bắt buộc ta phải viết những thứ lớn lao khi là nhà báo nhưng chắc chắn viết một cách chân thật về những điều giản dị là điều hoàn toàn có thể. Bởi thế, nếu chúng tôi - những nhà báo mới vào nghề chưa thể viết được những điều vĩ đại và to tát, thì ít nhất, tôi thường tự nhủ ta cũng phải viết được những điều bé nhỏ và chân thật về cuộc sống lớn lao.
Vũ Minh Hương