Chợ Tam Bạc nhuốm màu vàng cổ xưa
Nhắc đến những khu phố cổ, người ta thường quen thuộc với những dãy nhà cũ phủ đầy rêu phong của Hà Nội hay những góc phố đèn lồng treo cao của Hội An… Song ít ai biết rằng Hải Phòng cũng là địa danh gắn liền với những con phố cổ. Mỗi góc phố không chỉ có lịch sử lâu đời mà còn ghi dấu nhiều nét đẹp văn hóa của người dân đất Cảng. Những khu phố như Tam Bạc, Lý Thường Kiệt, Cầu Đất… hiện vẫn lưu giữ nhiều nét không gian kiến trúc cổ kính, thể hiện qua những tòa nhà, biệt thự hàng trăm năm tuổi.
Đi dọc những con đường thân thuộc, chúng tôi ghé thăm Cầu Đất - nơi đã từ lâu được mệnh danh là khu phố “của đổ về” trên đất An Biên xưa. Sở dĩ mệnh danh vậy bởi trước đây Cầu Đất được coi là phố giàu có bậc nhất của Hải Phòng với biết bao nghề thủ công nổi tiếng từ thời Pháp thuộc như giày da, bật bông, bánh kẹo, tiệm ăn, tạp hóa, chụp ảnh, vàng bạc…
Xen lẫn với sự phát triển của một khu phố thương mại, nơi đây còn để lại nét ấn tượng độc đáo khi được coi là khu phố bánh kẹo cổ truyền của người Hải Phòng, tương tự như phố Hàng Đường của Hà Nội.
Trong tiềm thức của mỗi người dân đất Cảng, bánh kẹo phố Cầu Đất đã từ lâu luôn là món quà xa xỉ, sang trọng bởi những công thức bí truyền, những thứ hương liệu quý làm ra món bánh mà chỉ những gia đình giàu có mới được thưởng thức... Ngay cả bánh rán - thứ quà bình dân thì đối với những người sành ăn, phải là bánh rán phố Cầu Đất mới là loại bánh thượng hạng ở Hải Phòng. Cụ Chiến bán bánh rán từ lâu trên phố tươi cười hóm hỉnh: “Những ai đã từng được nếm miếng bánh rán Bà Lạng chính hiệu ở Cầu Đất đều phải tấm tắc khen ngon. Bánh rán Bà Lạng vỏ mỏng tang, giòn, thơm, nhân mịn. Ít thấy bánh rán ở đâu lại dễ ăn và không ngán như loại bánh rán này”.
Trái ngược với khu Cầu Đất sầm uất, nằm soi bóng bên bờ sông Tam Bạc, phố cổ Tam Bạc được coi là một trong những khu phố cổ xưa yên bình nhất của Hải Phòng. Theo bước chuyển mình của thời gian, ngày nay, con phố ấy mang trong mình một diện mạo mới nhưng vẫn giữ hầu như nguyên vẹn những nét kiến trúc cổ xưa, tạo dấu ấn riêng biệt nơi đô thị hiện đại, trẻ trung. Cổ kính về kiến trúc và cổ kính ngay cả trong nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân nơi đây.
Những căn nhà cổ trên phố Lý Thường Kiệt
Nếp sống ở phố Tam Bạc vẫn còn mang đậm nét nhẹ nhàng, thanh bình của một khu chợ ven sông. Dù ngày nay có nhiều cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Tam Bạc nhưng hình ảnh những con đò chậm rãi xuôi dòng vẫn khắc sâu trong tâm trí những người dân nơi đây. Phố Tam Bạc còn đi vào những tác phẩm hội họa, thi ca với tình yêu nồng nàn mà sâu lắng của những tâm hồn nghệ sĩ đã quá yêu mảnh đất và con người Hải Phòng. Những bức tranh, bài thơ phác họa góc phố cổ kính nằm nghiêng nghiêng soi bóng bên sông là dấu ấn riêng chỉ thuộc về khu phố ấy.
Cũng giống như phố cổ Tam Bạc, phố Lý Thường Kiệt khiến người ta mê mẩn bởi những dãy nhà cổ kính, rêu phong và khu chợ Đổ - nơi giao thương sầm uất của An Biên xưa. Phố Lý Thường Kiệt gây ấn tượng với bất kì du khách nào khi đặt chân đến Hải Phòng bằng nét kiến trúc gợi nhớ. Những bức tường vàng hoen ố màu thời gian, những cánh cửa gỗ hẹp ngang và cao, những ô cửa sổ nhỏ nằm chót vót trên các mái vòm cong cong đậm nét kiến trúc Pháp.
Những căn nhà cổ trên phố Lý Thường Kiệt
Đi bộ dọc theo con phố ấy, ta có cảm giác như đang quay ngược dòng quá khứ, đắm chìm trong không gian cổ kính xa xưa. Đầu phố bắt đầu bằng những ngôi nhà đậm nét Pháp cổ thì cuối phố lại là khu chợ sầm uất có tiếng của Hải Phòng - chợ Đổ. Khu chợ tồn tại như một nhân chứng lịch sử, chứng kiến không ít đổi thay của thành phố trẻ. Biết bao khu chơ mới sầm uất mọc lên cùng với chợ Sắt, chợ Ga, chợ Đổ vẫn tồn tại trong lòng người dân Hải Phòng, như lời khẳng định sự trường tồn trước bao biến cố thăng trầm.
Nằm giữa khu trung tâm, góc phố Hồ Xuân Hương như một dấu lặng rơi vào bản nhạc hòa tấu sôi động. Ta tự hỏi đã bao lần phải ngẩn ngơ thả hồn theo những tán lá xanh mướt khi đi trên đường Hồ Xuân Hương? Không có kiến trúc độc đáo hay cổ kính nhưng Hồ Xuân Hương khiến người ta yêu thích phải chăng bởi trùng tên gọi với một trong những nữ thi sĩ hàng đầu của Việt Nam, hay bởi những hàng cây cổ thụ im lìm tỏa bóng mát quanh năm? Thời gian - không gian như ngừng lại nơi góc phố, hòa nhịp thành một giai điệu không lời nhưng say mê, ấn tượng. Giới trẻ Hải Phòng ưu ái gọi Hồ Xuân Hương là con phố “tình yêu” có lẽ bởi không gian xanh mát, giàu sức sống của những tán cây lâu năm và không khí trong lành.
Nhấm nháp một ly cà phê sáng, hưởng thụ sự bình yên trong nhịp sống hối hả mới thấy nét độc đáo của Hải Phòng. Nhiều người nói nhịp sống ở Hải Phòng có chút khác biệt so với các đô thị lớn. Không quá hối hả, gấp gáp như ở Hà Nội, không quá náo nhiệt, sôi động như ở Sài Gòn, người Hải Phòng quen với nhịp điệu yên bình, lắng đọng của thường ngày. Trong sự tĩnh lặng ấy, người ta vẫn hòa mình với guồng quay cơm áo gạo tiền nhưng vẫn thong dong để tự thưởng cho mình cái đặc ân được lang thang qua những góc phố thân quen, lắng nghe tiếng thì thầm của thời gian ngưng đọng.
Minh Hương - Thu Ninh
1-8-2015