Thực trạng
Trong bài báo "Giật mình với thu nhập của người Việt Nam so với khu vực" đăng trên báo Người Lao động (http://nld.com.vn/cong-doan/giat-minh-voi-thu-nhap-cua-nguoi-viet-nam-so-voi-khu-vuc-2012033107222749.htm) đưa ra những con số thật đúng là... giật mình:
"Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore."
Khoảng thời gian mà bài báo đăng tải đến nay cũng đã hai năm nhưng chắc là với khoảng cách tụt hậu tính bằng nhiều thập kỷ như ở trên thì cũng chưa thay đổi bao nhiêu.
Bài báo còn cho biết thêm:
"Bên cạnh đó, so với các quốc gia ASEAN khác, dù thu nhập của người Việt Nam đã dần được thu hẹp trong 20 năm qua, khoảng cách vẫn còn rất lớn ở vào thời điểm hiện tại.
Tiến sĩ Phạm Hồng Chương và các đồng sự ở ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo PPP chưa bằng 1/2 của Philippines, hay Indonesia, khoảng 1/5 của Thái Lan, 1/10 của Malaysia năm 1991.
Con số này đã vượt qua mức 3/4, 1/3 và 1/5 của các nước trên sau gần 20 năm."
Còn so với Trung Quốc, quốc gia mà ta đang phải vật lộn chống trả sự chèn ép bắt nạt hàng ngày thì đây, quá nguy hiểm:
"Như vậy, thu nhập đầu người của Việt Nam tương đương 32% của Trung Quốc năm 1991 đã giảm xuống còn 27% năm 2010.
Mặt khác, tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 706 USD năm 1991 và lên tới 2.948 USD năm 2010. Trong khoảng thời gian đó, con số này của Trung Quốc tăng từ 888 USD lên 6.786 USD.
Như vậy, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng 80% của Trung Quốc năm 1991 đã giảm xuống còn 43% năm 2010."
Nguyên nhân
Sau năm 1975, giải phóng miền Nam gần như còn nguyên vẹn, thống nhất đất nước, chúng ta đứng trước cơ hội phát triển rực rỡ, đưa đất nước vào nhóm đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng do say sưa, rồi ngủ quên trên chiến thắng, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội đó. Không những thế, một cuộc khủng hoảng kinh tế đã xảy ra, nền kinh tế và đời sống nhân dân cực kỳ điêu đứng, nạn đói nguy cơ ngóc đầu dậy. May mà đã có công cuộc đổi mới được phát động, đất nước mới được hồi sinh. Nhưng tiếp theo là những chậm trễ trong cải cách thể chế đi kèm với tệ tham nhũng hoành hành nên đất nước dù có những bước tiến nhất định nhưng so với xung quanh họ tiến lên vùn vụt thì ta vẫn tụt hậu là không khó hiểu.
Những ngày này nhiều nhân sĩ trí thức đang cất lên tiếng nói Việt Nam đã thua Campuchia, nguy cơ tụt hậu, thua Lào và Myanma đã cận kề (http://vinanet.vn/kinh-te-vi-mo/nang-suat-lao-dong-cua-lao-myanmar-co-the-vuot-viet-nam-628545.html).
Lẽ nào Việt Nam hôm nay chấp nhận đứng hạng bét, cuối cùng trong khối nước ASEAN về phát triển?
Giải pháp
Gải pháp nói "như đúng rồi" thì tôi kỳ vọng vào Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng sắp diễn ra vào quý I năm sau, 2016.
Các đại biểu đến dự Đại hội Đẩng lần này mong sao thoát hẳn khỏi căn bệnh hình thức "thành tựu to lớn" luôn đi kèm "không ít tồn tại"..., mà hãy dũng cảm, thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, nhìn vào những con số đau xót trên mà trăn trở, vật vã để đưa ra một đường lối đổi mới lần hai dẫn dắt đất nước đi đúng quỹ đạo phát triển chung của khu vực và thế giới. Trong lúc ta chưa theo kịp bạn bè thì thiết nghĩ không nên tiếp tục níu giữ những đường mòn thói quen bảo thủ cố hữu, nhất là không nên có sự khác biệt với các nước xung quanh để có thể dễ dàng hội nhập, phát triển.
Vũ Đức Tâm