14.1.16

“Vựa cá giống” Hội Am: Trăm năm một làng nghề

Làng nghề Hội Am (xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo) có nghề truyền thống rất đặc biệt: sản xuất cá giống. Làng nghề có truyền thống hàng trăm năm này vẫn rất năng động, ăn nên làm ra trong thời buổi kinh tế thị trường.

“Trời cho” buôn cá giống

Hội Am là vùng trũng có nhiều ao hồ. Từ đầu thế kỷ XX, người dân Hội Am đã thả một số loại cá bắt được ở sông và đồng, nuôi làm cá thịt. Hằng năm, đến mùa cá đẻ, nhiều người Hội Am chở thùng sơn đi khắp các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hà Nam… để bắt cá đẻ trong tự nhiên, đưa về cho nở thành cá con, rồi ươm thành cá giống. Họ tuyển chọn loại cá thả được để nuôi thành cá thịt và loại bỏ các loại cá tạp. Trải qua quá trình làm nghề lâu dài, nhân dân Hội Am tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong ươm nuôi cá giống, nhất là xác định thời điểm cá đẻ và phân loại cá.

Đến thập niên 80 của thế kỷ XX, khi các sông suối đầu nguồn đã bị chặn lại làm thuỷ điện, nguồn cá tự nhiên không còn. Cùng với nền khoa học ngày càng phát triển, từ năm 1982, một số loại cá truyền thống như các mè, cá trôi, cá trắm, cá chép, nhân dân Hội Am đã nuôi được cá đẻ. Ương nuôi được nhiều cá giống, các hộ nuôi ở Hội Am nảy ra ý muốn cung cấp cá giống cho nhiều địa phương khác, góp phần phát triển ngành thủy sản.



Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và người dân có nhiều kinh nghiệm, Hội Am hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để mở rộng nghề sản xuất cá giống. Ngoài các loài cá nước ngọt truyền thống, từ năm 2000 đến nay, nhân dân địa phương còn nhập nhiều giống cá mới ở các tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài. 

2.1.16

Loay hoay giữ nghề truyền thống

Làng Kinh Giao (xã Tân Tiến, huyện An Dương) nức tiếng ở Hải Phòng vì sản phẩm bánh đa sợi – nguyên liệu làm nên đặc sản “bánh đa cua” nổi tiếng của đất Cảng. Hiện nay, làng nghề đang vất vả để đứng vững.

Hương vị Hải Phòng

Kinh Giao bắt đầu có nghề làm bánh đa từ trên 65 năm nay. Hiện Kinh Giao có 118 hộ với trên 650 lao động chuyên làm bánh đa. Tổng vốn đầu tư sản xuất của các hộ trong làng khoảng 6 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ trong năm đạt khoảng 220 tấn.

Bánh đa Kinh Giao được làm hết sức cẩn thận, tỉ mỉ. Để có được những sợi bánh đa mềm, mỏng mà giòn, dai, vị đậm, trước hết, gạo được tuyển lựa rất kỹ. Chọn loại gạo có độ nở tốt, hạt trắng, mùi thơm tự nhiên rồi ngâm vào nước sạch. Sau khi xay thành bột nhuyễn thì đem hấp cho chín mềm. Về Kinh Giao, bất cứ ở đâu trong làng cũng sẽ gặp những lò hấp bột đang nghi ngút khói, tỏa mùi thơm thân thuộc của bột gạo.

Sau khi hấp chín, bánh được trải lên phên tre, phơi ra nắng. Người thợ phải canh sao cho bánh vừa “đủ nắng”, nếu thiếu nắng thì bánh chưa đủ độ ráo cần thiết, nếu quá nắng một chút là bánh bị khô và gãy. Sau khi phơi, bánh được ủ cho mềm, sau đó mới dùng máy cắt, thái thành sợi.