Bộ Y tế hay TP Hà Nội đã trót không công bố dịch nên nay bệnh sởi đã làm chết hơn trăm đứa trẻ thì họ cũng quyết không công nhận có dịch.
Lý do mà họ đưa ra đại loại bệnh tiên lượng được, phương pháp điều trị đã có và rõ ràng... Còn trẻ mắc bệnh nhiều và chết nhiều là do... bố mẹ thiếu hiểu biết !?
Tôi không am hiểu nhiều về bệnh tật và y học nên không dám phản bác ngành y tế nhưng cũng không thể đồng tình với họ về lập luận như trên.
Vậy bà bộ trưởng phải làm rõ, tại sao các cháu chết tại bệnh viện nhiều thế? (Có phải không được đi viện đâu).
Tôi cho rằng ngành y tế ít nhiều đã bảo thủ trong vấn đề này và vẫn nặng căn bệnh thành tích, đặt lợi ích nhóm của mình cao hơn tính mạng nhân dân. Hơn một trăm cháu nhỏ đã chết trong thời gian ngắn là một con số kinh khủng và quá đau xót.
Mặc kệ ngành y tế thì người dân hằng ngày vẫn nói với nhau: đang có dịch sởi đấy, giữ gìn cẩn thận cho các cháu nhé.
Tôi thấy người dân, kể cả bác sĩ với tư cách là người dân, không ai dùng một từ gì khác ngoài từ dịch để chỉ bệnh sởi hiện nay.
Chỉ có ngành y tế vẫn khăng khăng, không có dịch, không phải dịch.
Vậy thì ngành y tế và nhân dân không cùng ngôn ngữ! Không cùng ngôn ngữ nên không hiểu nhau.
Post thêm một statut của Xê Nho Nguyễn Vạn Phú
Nhất trí với bác Xê Nho!
Tôi có suy nghĩ như thế này: người bình thường như chúng ta làm sao đủ điều kiện để đánh giá năng lực chuyên môn của bà Bộ trưởng Y tế nên cũng khó mà nói gì về cách bà điều hành bộ máy y tế trước cơn khủng hoảng.
Tuy nhiên một điều đã rất rõ là bà Kim Tiến đã mất uy tín trước công chúng nên mọi thông điệp từ bà nói riêng và từ Bộ Y tế nói chung không được đón nhận như lẽ ra nó phải được đón nhận.
Ví dụ chuyện lây nhiễm chéo ở bệnh viện là hiện tượng cần cảnh báo; bệnh nhẹ, bệnh khác thời điểm này không nên đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương. Đây là thông tin đúng nhưng qua lời bà Kim Tiến nói ra trở thành phản cảm, không ai nghe theo, không có tác dụng cảnh báo như mong muốn.
Chỉ chừng đó lý do thôi, theo tôi, với người biết tự trọng là đủ để biết mình phải rút lui để người khác đứng ra gánh vác – đó là sự ý thức vai trò của mình khi không còn được tin tưởng, không còn hiệu quả điều hành chứ không nói đến chuyện trách nhiệm như các vụ từ chức khác. Nếu không có lòng tự trọng thì cấp cao hơn phải biết lượng định tình hình để ngưng chức bà này, trao quyền cho một người nào đó, có tâm, có tài và quan trọng nhất là nói mà dư luận tin tưởng lắng nghe để giải quyết khủng hoảng truyền thông và cả khủng hoảng niềm tin trong giới y tế.