Định vị lại
Để du lịch Cát Bà phát triển, theo TS. Phạm Từ - Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trước hết, du lịch Cát Bà phải “định vị lại” chính mình. Khi đã hiểu rõ mình ở đâu trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế thì Cát Bà mới tìm ra hướng đi phù hợp, phát huy được những giá trị riêng.
Việc định vị lại này bao gồm cả việc nhìn nhận lại vị trí của Cát Bà trong mối quan hệ với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long liền kề. Theo TS. Phạm Từ, lâu nay, trong tuyên truyền du lịch, chúng ta cứ “gá kèm” Cát Bà với Hạ Long, để Hạ Long “phủ bóng”, “che lấp” lên Cát Bà. Các hãng lữ hành gần như chỉ có tour Hạ Long – Cát Bà chứ chưa có tua ghép Cát Bà – Hạ Long. Nếu đặt mình ở vị trí là Khu bảo tồn sinh quyển thế giới, Cát Bà có một vị thế khác, hoàn toàn có thể trở thành một điểm du lịch riêng.
Ông Đào Hồng Tuyển – “chúa đảo” Tuần Châu (Quảng Ninh) cho hay, trong mắt các nhà đầu tư, Cát Bà hơn hẳn Hạ Long. Môi trường nước biển ở Cát Bà sạch hơn, trong hơn và biển Cát Bà có sóng. Còn nước biển Hạ Long phải hứng chịu ảnh hưởng của hoạt động khai thác than, khoáng sản và nước trên nguồn đổ xuống. Không chỉ thế, Cát Bà còn hơn Hạ Long ở chỗ, nếu Hạ Long phải đầu tư để có bãi tắm nhân tạo thì Cát Bà có rất nhiều bãi tắm tự nhiên rất đẹp, sạch và tĩnh lặng.
Mặt khác, nhìn trên phương diện liên kết vùng, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: “Nếu đề nghị riêng Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới thì UNESCO khó chấp nhận. Ta có thể mở rộng Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, gắn Cát Bà với Hạ Long”. Còn T.S. Trịnh Đăng Thanh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh thì nhấn mạnh: “Chúng ta phải đổi mới nhận thức về liên kết vùng, không thể tiếp tục cát cứ phân vùng từ thời phong kiến nữa... Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Hải Phòng – Quảng Ninh là một trong 7 vùng trọng điểm của du lịch Việt Nam. Mở rộng liên kết vùng giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, mà cụ thể là giữa vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là một yêu cầu tất yếu khách quan, mang tính quy luật trong sự phát triển du lịch của hai địa phương. Việc liên kết vùng du lịch giữa hai địa phương góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của Hải Phòng và Quảng Ninh”.
Cũng trong ý tưởng “định vị lại” du lịch Cát Bà, TS.Phạm Từ cho rằng, với vị trí là khu bảo tồn sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận, nhiệm vụ số 1 của Cát Bà là giữ gìn và phát huy tài nguyên thiên nhiên. Đó là một thiên nhiên có vẻ đẹp rất riêng, rất hấp dẫn với sinh thái đặc biệt, sự trong lành, hoang sơ cùng với nét mộng mơ, duyên dáng, kỳ ảo…
Để bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên quý báu đó, mô hình phát triển Cát Bà cần lấy du lịch sinh thái làm nền tảng. “Bởi trước hết, du lịch sinh thái là một định hướng phát triển bền vững. Thứ hai, trên thực tế, đã hình thành khu di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, VQG Cát Bà và việc bảo tồn, bảo vệ tự nhiên là nhiệm vụ trọng yếu của khu vực này” - PGS, TS. Đỗ Công Thung (Viện Tài nguyên và Môi trường Biển) nêu ý kiến.
Trên cơ sở lấy du lịch sinh thái làm trung tâm trong mối liên kết với các loại hình du lịch khác, Cát Bà cần đa dạng hóa các hoạt động du lịch trên không gian rộng để giảm mật độ tập trung và kéo dài thời gian lưu chân khách. Bên cạnh đó, cần phát triển các hình thức du lịch theo mùa để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, tránh các vụ cao điểm và giảm bớt sức tải sinh thái tự nhiên và môi trường.
Nói cách khác, Cát Bà phải tìm giải pháp để xóa tính mùa vụ trong phát triển du lịch.
Thoát khỏi tính mùa vụ
Từ trước đến nay, Cát Bà luôn quá tải khách vào mùa hè, lượng khách giảm dần vào mùa thu và hiu hắt vắng vào mùa đông. Thực tế, Cát Bà có nhiều tiềm năng và triển vọng để thu hút khách du lịch mùa thu đông.
Đó là khoảng thời gian mà lượng khách ít, cảnh quan đẹp và yên tĩnh, chất lượng dịch vụ cao hơn trong khi giá cả rẻ hơn. Đặc biệt, đó cũng là mùa hải sản ngon nhất trong năm, khi các loài hải sản tích tụ dinh dưỡng để chuẩn bị cho mùa sinh sản lúc thời tiết sang xuân.
“Khi đó, Cát Bà hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo như tour dành cho các cặp đôi đi nghỉ tuần trăng mật hay đi nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá…” – chị Nguyễn Thị Minh Thu (Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ ý tưởng. Còn ThS. Phạm Thị Khánh Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Du lịch – Dịch vụ Hải Phòng thì cho rằng, du lịch MICE (viết tắt từ tiếng Anh: Meeting - gặp gỡ, Incentive - khen thưởng, Conventions - hội thảo, Exhibition - triển lãm) là giải pháp để xóa tính mùa vụ của du lịch Cát Bà. MICE là phân khúc hết sức tiềm năng mà Cát Bà có thể khai thác.
ThS. Phạm Thị Khánh Ngọc phân tích: “Với phong cảnh đặc sắc, văn hóa đặc trưng, Vườn Quốc gia có nhiều loài quý hiếm, Cát Bà là điểm đến thích hợp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, khám phá, trải nghiệm, làm việc theo nhóm (team building), tiệc ngoài trời, nghỉ dưỡng… sau khi khách đã tham dự hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm… Mặt khác, khách du lịch MICE là đối tượng khách có nhu cầu và trình độ cao, vì vậy, họ sử dụng nhiều dịch vụ hơn, yêu cầu chất lượng dịch vụ cao hơn đồng thời giữ gìn môi trường tốt hơn. Họ chi tiêu cao gấp 6-8 lần khách du lịch thông thường. Nếu khai thác tốt đối tượng khách MICE, Cát Bà sẽ có lợi ích nhiều mặt, cả về lợi nhuận và môi trường”.
Một giải pháp khác để phát triển lượng khách du lịch mùa thu đông tại Cát Bà là thu hút khách quốc tế. Để hấp dẫn khách nước ngoài, ngoài việc xúc tiến quảng bá hình ảnh Cát Bà thì các hãng lữ hành đóng vai trò then chốt. Họ mới là những người hiểu rõ nhất nhu cầu của khách du lịch. Vì vậy, theo TS. Phạm Từ, cả hai bên chính quyền địa phương và hãng lữ hành cần năng làm việc, tiếp xúc với nhau hơn. Cần tổ chức cho các hãng lữ hành xem xét sản phẩm du lịch Cát Bà để tìm ra, khởi tạo, xây dựng những sản phẩm riêng, có sức hấp dẫn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, có nhiều cách tiếp cận để tìm ra sản phẩm cho du lịch Cát Bà. Ngoài thăm vịnh, du thuyền, thăm Vườn Quốc gia, có thể tạo ra cách tiếp cận vịnh từ trên cao như xây dựng tháp cao để ngắm vịnh, làm hệ thống cáp treo…
Tổ chức lại
Trước hết, phải chú trọng khâu quy hoạch. TS.Phạm Từ cho rằng: “Cần tìm những nhà quy hoạch có nghề để quy hoạch chi tiết Cát Bà. Cần rà soát lại quy hoạch trên cơ sở bảo tồn thiên nhiên và không trùng lặp với Hạ Long. Để quy hoạch, vai trò của huyện Cát Hải rất quan trọng, nếu huyện không đặt ra và theo đuổi đến cùng thì rất khó làm được”.
Về mặt này, ThS.Phạm Thị Khánh Ngọc ví von: “Cát Bà có rất nhiều khách sạn mini như những bao diêm xếp chồng lên nhau hay như những chiếc bánh ga tô làm dở. Cát Bà phải có quy hoạch chứ không thể để phát triển xôi đỗ như hiện nay”.
Theo ông Phạm Văn Hà – Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, huyện đang đề nghị triển khai quy hoạch tổng thể Cát Bà. Bên cạnh việc quy hoạch, huyện xác định một trong những giải pháp đột phá nhằm phát triển du lịch Cát Bà là đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng. Đây đang là điểm yếu của Cát Bà.
Cả tuyến đường bộ vào trung tâm thị trấn và bến tàu khách đều đã xuống cấp trầm trọng. Ngoài 38 khách sạn đạt tiêu chuẩn trở lên thì các nhà nghỉ đều nhỏ, phòng nhỏ và thiếu tiện nghi. Môi trường ô nhiễm do thiếu nghiêm trọng các trạm xử lý nước thải. Hiện 80% các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ của Cát Bà tập trung ở khu vực trung tâm thị trấn và nước thải xả thẳng ra vịnh. Việc xử lý chất thải rắn còn thủ công, thô sơ. Nhiều khách nước ngoài đánh giá, ở Cát Bà rác bị vứt bừa bãi, bờ biển cũng nhiều rác.
Để khắc phục những hạn chế đó đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, địa phương có chủ trương tạo các cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Hiện Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Quốc tế GIICO đang triển khai dự án Khu du lịch sinh thái quốc tế GIICO, trải dài trên 7km ven biển xã Xuân Đám và Hiền Hào với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Đây là một dự án lớn tại Cát Bà, là một quần thể phức hợp gồm sân golf 18 lỗ, các tổ hợp nghỉ dưỡng, tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe cao cấp…
Nhiều nhà đầu tư khác cũng đang mong muốn đến với Cát Bà. Trong đó, với ý tưởng xây dựng Cát Bà thành “thành phố Thiên đường”, Tập đoàn Tuần Châu (Quảng Ninh) đang trình thành phố Hải Phòng 8 dự án lớn xây dựng các khu vui chơi giải trí, khu du lịch, nghỉ dưỡng, bến du thuyền… với mức đầu tư hàng tỷ USD.
Ngoài ra, để phát triển du lịch Cát Bà, còn rất nhiều việc phải làm như lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, xây dựng một chương trình truyền thông tốt để quảng bá cho Cát Bà…
Hân Minh, Adm
|