10.9.14

Chỉ còn một kỳ thi quốc gia chung: Nên cấp chứng chỉ cho học sinh thi trượt

Vũ Đức Tâm, Ad


Theo phương án kỳ thi quốc gia Bộ GD-ĐT vừa công bố, từ năm 2015 chỉ còn một kỳ thi được gộp chung lại; không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, không còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, không còn các khối thi A, B, C, D... Thay vào đó, là sử dụng kết quả thi của kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.


Xem kỹ ra thì thấy những ưu điểm, tính nghiêm túc của thi đại học đã không bị đánh mất mà vẫn được bảo lưu. Đó là tổ chức thi theo cụm, do các trường đại học chủ trì coi thi, chấm thi. Chất lượng tuyển sinh vào các trường đại học lớn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, bởi nếu không tin tưởng kết quả thi chung, các trường đại học nếu đủ điều kiện vẫn có quyền tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng của mình.

Ai cũng biết (mặc dù có thể không công nhận), kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trước đây là không thực chất với kết quả đỗ hằng năm thường cao ngất ngưởng ở mức 99%. Các cháu "không biết gì" vẫn có thể đỗ tốt nghiệp như thường.

Nay tổ chức thi chung với nhiều nét tương đồng như kỳ thi đầu vào đại học như vậy thì dù đề thi có dễ đến đâu và việc coi thi có thể không giữ được nghiêm ngặt như thi đại học trước đây chăng nữa thì chắc hẳn con số học sinh thi rớt năm tới cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với con số trượt tốt nghiệp trước đây.

Vậy sẽ phải làm gì với con số không nhỏ các em thi trượt? Người viết bài này thiển nghĩ, nên cấp cho các em đó Chứng chỉ đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông để các em có thể dự tuyển vào một trường nghề ra đời kiếm công ăn việc làm. 

Trường hợp nếu muốn dự tuyển vào đại học, cao đẳng, tất nhiên các em vẫn được quyền tham gia kỳ thi ở các năm sau.

Làm như vậy các em học kém, trượt thi cũng không cần phải buồn, Đằng nào thì mình cũng không vào được đại học, cũng chỉ cần kiếm việc làm phù hợp mà thôi.

Còn các giám thị, giám khảo cũng yên tâm mà coi thi, chấm thi cho nghiêm túc, không sợ cảm thấy như mình "làm gì ác" với các em học sinh kém, khi phải đánh trượt chúng.