Một khoảnh khắc hồn nhiên vui cười của bé Khôi |
Qua chia sẻ của chị trên trang cá nhân, tôi và chị hẹn nhau vào buổi chiều muộn để đến thăm nhà em Phạm Duy Khôi - nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt được chị vô tình phát hiện ra khi ngồi “lê la” quán nước vỉa hè. Vòng vèo qua những con ngách nhỏ khó nhớ và chiếc cầu thang tối om, chúng tôi cũng tìm được nhà Khôi.
Lúc này chỉ có hai ông cháu ở nhà, thấy chúng tôi, người đàn ông già nua cùng đứa cháu thơ dại lúng túng hồi lâu. Những câu chuyện không đầu không cuối của ông lão đã giúp chúng tôi phần nào hiểu được cuộc sống của những người đàn ông mang phận “gà trống nuôi con”, sự mưu sinh vất vả của những người nghèo mà không được công nhận là nghèo giữa lòng thành phố...
Gà trống nuôi… cháu
Người dân ở khu tập thể Thái Phiên, Ngô Quyền, từ mấy năm nay đã quen với cảnh: sáng sáng một ông lão gần 80 tuổi dắt tay đứa cháu nhỏ sang đường để đi học. Đường phố đông đúc, hình ảnh người đàn ông run rẩy dẫn cháu băng qua khiến không ít người tặc lưỡi chạnh lòng. Đó là ông Phạm Bá Hiền và đứa cháu nội đáng thương Phạm Duy Khôi, ở tầng 2, lô A2, cầu thang 3 khu TT Thái Phiên. Năm nay, bé Khôi tròn 9 tuổi nhưng em mới học đến lớp 3 do trí não phát triển chậm hơn bạn bè bình thường. Thương đứa cháu nhỏ tội nghiệp sớm mất mẹ, ông Hiền đứng ra đảm nhiệm mọi việc như một “người phụ nữ của gia đình”.
Sáng sáng, ông dẫn cháu đi học rồi về nhà cơm nước cho người con trai mù lòa - bố em Khôi và người con trai út bệnh tật ốm yếu. Đã từ lâu, 3 người đàn ông ấy không biết đến ăn sáng bởi tất cả họ đều dồn cho bé Khôi. Cuộc sống của ông Hiền chỉ quanh quẩn, tất bật với mấy bữa cơm, đưa đón cháu đi học và giúp con trai một số công việc vệ sinh cá nhân.
Chân dung người đàn ông phận “gà trống nuôi con” |
Căn hộ tập thể nhỏ chỉ rộng chừng hơn 20m2 thiếu tay người phụ nữ dọn dẹp có phần quạnh hiu, lạnh lẽo. Ba chiếc đệm trải ra ba góc phòng làm nơi ngủ, góc còn lại kê chiếc bàn nhỏ đặt di ảnh chị Phạm Thị Lệ - mẹ của Khôi. Mâm cơm chiều đạm bạc, nguội ngắt do ông Hiền vội vàng chuẩn bị để còn đi đón cháu để gọn gàng ở góc nhà. Vừa kể chuyện, người đàn ông “tóc pha sương” ấy vừa lặng lẽ lấy tay lau nước mắt. Cả cuộc đời người đàn ông này gắn liền với cảnh “gà trống nuôi con”. Giờ đây, người con trai thứ của ông - anh Phạm An Nguyên cũng đồng cảnh ngộ với bố. Thế nên ông vừa nuôi con và giờ lại nuôi thêm cả cháu. Đồng lương eo hẹp, phải tính toán, chắt chiu lắm mới đủ cho 3 người đàn ông và thằng bé con đang tuổi đến trường chi tiêu nơi thành thị đắt đỏ.
Giọng run run, đứt quãng do tuổi tác và bệnh tật, ông Hiền kể: Do không chịu được cuộc sống vất vả, cộng thêm sự bất hòa giữa hai vợ chồng nên vợ ông đã bỏ đi hơn 20 năm nay. Ông cứ ở vậy nuôi 5 đứa con thơ dại trưởng thành. Năm 1999, khi đang là sinh viên năm cuối trường Giao thông vận tải 2, anh Nguyên bị tai nạn giao thông dẫn đến mù hai mắt. Tưởng chừng cuộc đời chàng thanh niên ấy đi vào ngõ cụt thì năm 2002, “trời thương” cho anh nên duyên với chị Phạm Thị Lệ. Căn hộ tập thể nhỏ bé từ lâu thiếu vắng hơi ấm người phụ nữ giờ đây lại rộn rã tiếng nói cười. Ông có nằm mơ cũng không ngờ rằng người con trai tưởng chừng “bỏ đi” kia lại được một bàn tay nắm lấy, che chở. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi năm 2005, chị Lệ sinh bé Khôi xinh xắn, đáng yêu.
Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, khi Khôi lên 7 tuổi, chị Lệ mắc bệnh hiểm nghèo. Suốt 6 năm trời chị chống chọi với bệnh tật cũng là từng ấy năm, những người thân yêu của chị đau xót nhìn chị từng ngày “chết dần chết mòn”. Năm 2012, chị Lệ đầu hàng số phận, ra đi để lại đứa con thơ dại và người chồng mù lòa cho bố chồng chăm sóc. Gia đình nhỏ lại chìm trong u tối, nỗi buồn lần này còn nặng hơn gấp nhiều lần trước… Ngồi kể cho chúng tôi nghe, thi thoảng ông Hiền lại lặng đi. Đáng lẽ ở cái tuổi “gần đất xa trời” này, ông được vui hưởng tuổi già thì giờ đây, gánh nặng mưu sinh vẫn đè nặng lên đôi vai già nua ấy.
Nghèo mà không được công nhận
Hồi còn trẻ, một tay ông chăm bẵm, nuôi nấng các con, khi mà người vợ đầu gối tay ấp bao năm của ông bỗng nhiên đòi “ra riêng”. Đến khi con cái trưởng thành, những tưởng ông sẽ được hưởng phúc thì giờ đây lại “đèo bòng” thêm bố con Khôi. Khi chị Lệ còn sống, gia đình cũng chật vật lắm mới đủ sống. Anh chị không có việc làm, chủ yếu sống dựa vào bố. Rồi khi chị Lệ ốm đau hàng năm trời, cũng lại là ông xoay sở, cáng đáng. Đến nay, ông cũng đã quen với cảnh “làm mẹ, làm vợ” thay con dâu. Với ông, khó nhất là chuyện mua quần áo cho cháu. Vì là đàn ông nên ông không biết mua thế nào cho phù hợp và vừa với túi tiền.
Bữa cơm đạm bạc của gia đình |
Ông Hiền tâm sự: Chỉ tiêu của phường chỉ có một hộ nghèo nhưng ông là đảng viên nên phải gương mẫu, nhường suất đó cho gia đình khác. Vì thế, mọi khoản đóng góp đều như mọi gia đình khác của phường, ngay cả Khôi đi học cũng không được miễn học phí. Bố và chú của Khôi thì sức khỏe kém, không có việc làm ổn định. Cả bốn miệng ăn và tiền học của cháu đều trông chờ vào khoản lương hưu ít ỏi. Nhưng nỗi lo lớn nhất của ông Hiền lại là sự phát triển của đứa cháu tội nghiệp. Khôi sinh ra trí não đã chậm phát triển lại thiệt thòi vì sớm mồ côi mẹ, sống trong gia đình toàn đàn ông nên ông sợ cháu bị mất cân bằng về tâm lý.
Ông luôn mong có bàn tay người phụ nữ chăm sóc, dạy dỗ Khôi, bởi “dù ông và bố có yêu cháu đến mấy cũng không bù đắp được sự thiếu vắng tình cảm và dạy dỗ của bà, của mẹ với cháu”. Mong ước giản dị của ông lão thật khó bởi không phải người phụ nữ nào cũng đủ dũng cảm để bước chân vào gia đình đặc biệt ấy.
Khi chúng tôi ngồi trò chuyện với ông thì Khôi chỉ lặng lẽ ngồi trong phòng. Biết mọi người đang kể chuyện về mẹ, em bỗng òa khóc nức nở. Từ khi mẹ mất, Khôi càng quấn bố hơn, coi bố là chỗ dựa tinh thần duy nhất. Chỉ cần anh Nguyên đi về muộn một chút là Khôi đã đứng ngồi không yên, khóc đòi bố. Nhìn cậu bé vừa xúc cơm ăn vừa thổn thức khiến tôi chúng tôi chạnh lòng xót xa. Tuổi thơ của em đã chịu nhiều bất hạnh, thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Rồi không biết em sẽ trưởng thành ra sao khi sống với 3 người đàn ông ốm yếu, bệnh tật!?