23.5.15

Nơi chắp cánh ước mơ

                        Hồng Thương và các bạn trong một tiết mục dạy khiêu vũ

“Em mong ước sẽ mở một cửa hàng nhỏ làm nail của riêng mình”, “Em hi vọng có việc làm ổn định để 4 anh em được sống quây quần bên nhau”…, đó là những ước mơ rất đỗi giản dị của những bạn trẻ đang sinh hoạt trong CLB Khát vọng thành công của quận Ngô Quyền. Mỗi người có một câu chuyện buồn, một tuổi thơ không mấy tốt đẹp nhưng giữa họ có sự đồng điệu về tâm hồn. Họ sát cánh bên nhau, cùng nhau mơ về một tương lai tươi sáng mà ở đó họ là những con người có khả năng làm chủ cuộc sống của chính mình…

Gieo “hạt giống” ước mơ

Mỗi buổi chiều thứ 3 và thứ 5, sân vận động Máy Tơ, quận Ngô Quyền, lại rộn ràng tiếng cười đùa, nói chuyện vui vẻ của những bạn trẻ đủ mọi lứa tuổi. Gạt bỏ gánh nặng “cơm áo gạo tiền”, họ về đây để được sẻ chia, được thấu hiểu và thấy mình được yêu thương. Anh Nguyễn Chí Hùng - Trưởng dự án cho biết: CLB Khát vọng thành công là một phần của dự án Sinh kế thanh thiếu niên, nằm trong chương trình phát triển vùng của tổ chức Tầm nhìn thế giới (WVI). Mục tiêu của dự án là tăng cường thu nhập bền vững và ổn định cuộc sống cho thanh thiếu niên thông qua các hoạt động: trang bị kĩ năng sống, đào tạo nghề và tạo cơ hội việc làm việc làm cho các em.


Bắt đầu thành lập từ tháng 9-2014, sau 6 tháng triển khai, đến nay CLB có gần 70 thành viên, chủ yếu từ 12 đến 24 tuổi, ở 13 phường của quận Ngô Quyền. Đối tượng mà chương trình hướng đến là những thanh thiếu niên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn: mồ côi bố mẹ, gia đình không hạnh phúc, bị HIV, bỏ học, mải mê điện tử… Khi đến với dự án, các em được tham gia những khóa đào tạo ngắn hạn (3-6 tháng) định hướng nghề nghiệp, xác định điểm mạnh - yếu của bản thân, từ đó nhận thức được giá trị riêng của mình, tự tin, mạnh mẽ hơn và xác định được một nghề phù hợp. Các em còn được trang bị các kĩ năng; xây dựng mục tiêu, lập kế hoạch tương lai, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tìm kiếm thông tin việc làm..., đủ hành tranh để tự tin bước vào đời. Sau khi có đủ các kĩ năng sống cần thiết, các em được định hướng học nghề tùy theo khả năng và lựa chọn của mình: cắt tóc, làm bánh, nấu ăn, làm nail, sửa chửa xe máy, nghề may, lái xe… Hiện nay 22 thành viên đã có việc làm ổn định.

Cô Phạm Thị Bấm - Chủ tịch Hội LHPN quận Ngô Quyền chia sẻ: “Ban đầu khi mới thực hiện, mọi người gặp nhiều khó khăn trong quá trình giao tiếp, làm quen với nhau. Mỗi thành viên có một hoàn cảnh hết sức đáng thương: có bạn trẻ nghiện game đến đờ đẫn, khi mới vào CLB không thể hòa nhập với mọi người, phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới có thể giúp em trở lại bình thường. Có nhiều gia đình mải mê làm ăn, không quan tâm đến con cái khiến chúng bỏ học, bỏ nhà đi bụi. Khi tham gia vào CLB, các em có sự thay đổi rõ ràng: "cai" được game, được học nghề, tập trung rèn luyện bản thân; có em còn được các bạn dạy đọc, dạy viết. Từ những đứa trẻ chỉ biết cúi mặt khi tiếp xúc với người lạ, đến nay, các em đã vui vẻ, hòa đồng với mọi người”.

Vào các buổi chiều thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, các em lại rủ nhau về sân vận động Máy Tơ tham gia các hoạt động: khiêu vũ, bóng đá, cầu lông, nhảy dây… để giao lưu, gắn kết và mở lòng hơn. Ngoài ra, mỗi tháng các em được tập huấn kĩ năng, tham gia những khóa học trải nghiệm trước khi có đủ điều kiện để học nghề. “Mục tiêu mà CLB đang hướng đến là học viên sau khi có công việc ổn định, thu nhập tốt, đứng vững độc lập sẽ hỗ trợ, giúp đỡ những thành viên mới, tiết kiệm để gây quỹ, hỗ trợ các bạn trong nhóm vay vốn kinh doanh, ổn định cuộc sống”, anh Hùng cho biết thêm.

Vì tương lai tươi sáng

Bạn Trần Thị Hồng Thương, ở đường Đà Nẵng, là một trong những thành viên đặc biệt nhất của CLB. 27 tuổi với hai tấm bằng: Kế toán của ĐH Hàng Hải và tiếng Anh của ĐH Hải Phòng trong tay nhưng Hồng Thương không thể tìm được một công việc ổn định bởi chiều cao “nấm lùn” chưa đến 1m của mình.

Thương buồn bã tâm sự: “Khi còn đi học, mình nhìn cuộc đời màu hồng lắm, cứ luôn tin tưởng có tri thức, có năng lực thì sẽ tìm được công việc như ý. Nhưng khi “va đập” với thực tế cuộc sống, mình mới nhận ra hạn chế của bản thân, dần trở nên tự ti và chán nản. Bố mẹ là công nhân đã nghỉ hưu, anh trai cũng chẳng có việc làm ổn định, mình đã từng háo hức nghĩ rằng sẽ là chỗ dựa vững chắc của gia đình. Vậy mà, mang tiếng “học cao nhất nhà” nhưng mình cũng đành chấp nhận “vứt xó” 2 tấm bằng…”.


Sau mỗi buổi sinh hoạt, mọi người được cô phụ trách bảo ban tận tình

Khi tham gia CLB, bạn không dám nói chuyện với ai vì tự ti với hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, mỗi buổi sinh hoạt, mọi người thường xuyên chia sẻ về hoàn cảnh, cuộc sống của nhau, dần dần trở nên đồng cảm, thấu hiểu và coi nhau như chị em trong gia đình. Từ đó, Thương mở lòng với mọi người, trở nên vui vẻ và lạc quan hơn. Hiện nay, bạn vừa học xong khóa làm nail và có ý định trong tương lai sẽ mở cửa hàng làm nail của riêng mình.

Còn đối với Dương Trọng Hòa, 20 tuổi, ở Máy Chai, em chỉ hi vọng mình sớm có việc làm ổn định để 4 anh em sẽ được sống cùng một nhà. Dương chia sẻ: “Bố mẹ em li dị từ khi em còn rất nhỏ, hiện em đang ở với bà ngoại. 18 năm nay em chưa hề nhận được tình yêu thương của bố. Nhiều khi em giận bố em lắm, vì đã bỏ rơi em. Còn mẹ vẫn quan tâm đến em nhưng mẹ lại đang ở với dượng và em nhỏ nên không có nhiều thời gian chăm sóc bọn em. Từ hồi cấp 3, em đã tự đi làm bưng bê ở quán cafe để kiếm tiền đóng học phí. Em mong ước rằng có thể tự mình mở quán làm đầu, ổn định cuộc sống và chăm lo cho 3 đứa em của mình”.

Mới 20 tuổi nhưng nhìn Hòa chín chắn như một người đàn ông trưởng thành. Tham gia vào dự án được 1,5 năm do khuyến khích của thầy cô và muốn học nghề để tự nuôi sống bản thân, đến nay, em có thể tự tin với nghề cắt tóc của mình, có thể tự lên kế hoạch cho tương lai.

Anh Hùng chia sẻ rằng còn rất nhiều em vượt khó vươn lên rất đáng ngưỡng mộ như: em Ngô Quốc Lâm, ở phường Gia Viên, là một ví dụ. Lâm là con trai lớn trong gia đình có 7 anh em. Trước khi đến với dự án, em phải đi xếp bóng ở quán bida kiếm tiền, công việc bấp bênh, không có tương lai. Giờ đây, em trở thành một thợ làm bánh chuyên nghiệp, có thu nhập ổn định, giúp gia đình sửa nhà và sắm xe máy. Lâm cũng là hạt nhân tiềm năng để phát triển CLB Khát vọng sống trong tương lai.

Hay như em Mai Hồng Sơn, 14 tuổi, ở phường Gia Viên. Sơn mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Hàng ngày, công việc chính của em đưa bà đi ăn xin rồi chiều đón bà về. Thiếu tình thương, sự bảo ban của cha mẹ nên 14 tuổi mà em không thể nhớ nổi mặt chữ. Từ khi tham gia vào dự án, em được hỗ trợ học nấu ăn, được các anh chị trong CLB dạy đọc, dạy viết. Tương lai của Sơn dần tươi sáng hơn.

Hi vọng rằng với những kĩ năng các em được đào tạo cùng tình yêu thương mà những người trong dự án trao gửi, hơn 70 thành viên của CLB sẽ đạt được mơ ước của mình. Trong tương lai không xa, chính họ sẽ là những người truyền cảm hứng cho những thanh thiếu niên đồng cảnh và là đội ngũ tiên phong đưa mô hình CLB Khát vọng sống ngày một phát triển rộng rãi.


Vũ Minh Hương, Adm