Mang trong mình những giá trị truyền thống đặc sắc, sản phẩm điêu khắc gỗ - sơn mài của làng nghề Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) được mọi người ưa chuộng. Đến nay, sản phẩm của làng nghề Bảo Hà đã được xuất khẩu ra các nước và vùng lãnh thổ như: Nga, Đức, Đài Loan…
Nghề điêu khắc gỗ, sơn mài ở Bảo Hà có lịch sử hơn 500 năm, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Do chiến tranh, nạn đói… những người thợ Bảo Hà phải phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống. Do đó, nghề điêu khắc gỗ - sơn mài truyền thống của làng có lúc bị mai một. Đến cuối thế kỷ XX, nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước, làng nghề truyền thống nơi đây dần được khôi phục.
Nghề điêu khắc gỗ, sơn mài ở Bảo Hà có lịch sử hơn 500 năm, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Do chiến tranh, nạn đói… những người thợ Bảo Hà phải phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống. Do đó, nghề điêu khắc gỗ - sơn mài truyền thống của làng có lúc bị mai một. Đến cuối thế kỷ XX, nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước, làng nghề truyền thống nơi đây dần được khôi phục.
Những người thợ lại có dịp trổ tài chạm khắc gỗ - sơn mài, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao, phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân, mang lại thu nhập khá cho người thợ. Từ đây, xuất hiện những người thợ tài hoa như: cụ Đào Trọng Đạm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân điêu khắc; cụ Nguyễn Văn Thắng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân sơn mài… Ngày nay, các thế hệ làng nghề Bảo Hà vẫn duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Năm 2007, UBND TP Hải Phòng công nhận làng nghề Bảo Hà là “Làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ - sơn mài”.
Nghệ nhân tài hoa của làng nghề Bảo Hà đang tạc tượng.
Theo ông Bùi Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Đồng Minh, Hiện nay, làng nghề Bảo Hà có gần 200 hộ với trên 200 lao động làm nghề điêu khắc, sơn mài. Trung bình, tổng giá trị sản xuất từ nghề đem lại gần chục tỷ đồng/năm. Các xưởng lớn trong làng có thu nhập khoảng từ 40 - 50 triệu đồng/tháng. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là: đồ thờ như tượng, truyền thần, nhang án, hoành phi, câu đối, cửa võng, tranh ảnh sơn mài…
Trước đây, làng nghề chỉ làm trong 3 tháng trong năm (từ tháng 8 đến tháng 11). Những năm gần đây, khi nhu cầu của thị trường gia tăng, làng bận rộn quanh năm với nhiều đơn hàng. Những người thợ làm việc suốt ngày đêm không ngơi nghỉ. Đến nay, sản phẩm của Bảo Hà đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong nước và được xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo nhiều khách hàng, bàn tay khéo léo của người thợ làng Bảo Hà tạo nên những đường nét chạm khắc mang phong cách rất riêng, rất “có hồn”. Mỗi sản phẩm mang những giá trị truyền thống được kết tinh từ đôi bàn tay tài hoa, sự sáng tạo của bao thế hệ người thợ Bảo Hà.
Với người thợ Bảo Hà, từ khi là anh phó học nghề đến khi mắt quen nhìn và nhập tâm từng mẫu tượng đòi hỏi sự kiên trì rèn luyện tay nghề trong thời gian dài. Khi hợp đồng vừa đưa đến, trong đầu người thợ đã hình thành tư thế tượng; cách tạo dáng; kích cỡ... Tuy đạt đến mức “thuận mắt quen tay” nhưng mỗi công đoạn không vì thế mà người thợ làm cẩu thả, chủ quan, trái lại rất khoa học. Điển hình, việc đẽo gọt từng bộ phận rồi chắp lại cho khít hay công đoạn sơn được người thợ làm cẩn thận để tạo ra được màu “sơn son thếp vàng” bền vững qua năm tháng không bị bào mòn.
Không chỉ có bàn tay tài hoa, tính cần cù, những người thợ của làng còn đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước. Những xưởng điêu khắc, sơn mài của làng Bảo Hà còn là nơi đào tạo nhiều thợ ở các tỉnh, thành lân cận. Họ tìm đến Bảo Hà học nghề rồi trở về quê mở xưởng, mang theo “phong cách Bảo Hà” tới muôn phương.
Với những nét đặc sắc riêng có, làng nghề Bảo Hà trở thành một địa điểm thú vị trong chương trình “Du khảo đồng quê” của du khách khi về Hải Phòng tham quan du lịch.
Ngoài những đồ thờ có tính cổ điển khuôn mẫu, các nghệ nhân nơi đây còn sáng tạo thêm tượng truyền thần. Rất nhiều người ngưỡng mộ tượng truyền thần Bảo Hà vì mỗi bức tượng rất chân thật, có “hồn”. Trên đó, người nghệ nhân thể hiện được khí chất, tính cách của những con người bình thường. Điều đó càng khẳng định sự khéo léo của người thợ Bảo Hà. Sau khi nhận ảnh của khách, nghệ nhân suy nghĩ, phác thảo tượng rồi chọn gỗ theo kích thước khách đặt hàng.
Nghệ nhân Bảo Hà thường dùng gỗ mít để tạc tượng truyền thần vì loại gỗ này mềm, dẻo, chống mối mọt, không chịu nhiều tác động của nước, lại dễ kiếm và không đắt như các loài gỗ quý khác. Nghệ nhân sáng tạo từng phần của tượng rồi mới ghép các bộ phận thành bức tượng hoàn chỉnh. Cái tài hoa của người thợ Bảo Hà là tượng truyền thần do họ tạc nên không những giống hệt ảnh mà từng tượng đều có thần thái riêng. Với bức tượng có “hồn” này, người thợ làm nhẵn bề mặt tượng rồi mới sơn nhiều lớp, thếp bạc, lọng son cho tượng gỗ. Cuối cùng là vẽ tóc râu, mắt mũi… và sơn màu quần áo cho tượng. Các nghệ nhân cho biết, phải mất chừng 10 ngày để đục đẽo tượng và khoảng 5 ngày để sơn vẽ hoàn thiện bức tượng truyền thần.
Ông Nguyễn Văn Điềm, cán bộ phụ trách phát triển ngành nghề của UBND xã Đồng Minh cho biết, do là nghề truyền thống nên việc đào tạo nghề ở Bảo Hà chỉ là “cha truyền con nối” chứ người thợ không được đào tạo cơ bản. Vì thế, nhận thức của người thợ về kỹ thuật, mỹ thuật, tiếp thị, thị trường,… còn nhiều hạn chế. Công cụ sản xuất cũng còn lạc hậu, hình thức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún…
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày nay, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm điêu khắc gỗ, sơn mài Bảo Hà đang được đặt ra cấp thiết, nhằm tránh đánh mất thương hiệu hoặc bị giả mạo. UBND xã Đồng Minh đang nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm truyền thống của Bảo Hà.
Để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, UBND xã Đồng Minh phối hợp với Trung tâm Khuyến công Hải Phòng, Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Bảo tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người thợ Bảo Hà, tổ chức cuộc thi tay nghề và sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ…
UBND xã động viên, khuyến khích các hộ làm nghề tham gia triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện cho hộ làm nghề tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ việc làm. Đặc biệt, UBND xã Đồng Minh quy hoạch khu sản xuất nghề tập trung với diện tích 8,6 ha tại xứ Đồng Kênh, làng Quyết Tiến. Dự án này được UBND TP Hải Phòng phê duyệt quy hoạch xây dựng 3,8ha. Hy vọng, với những nỗ lực của địa phương, làng nghề tạc tượng Bảo Hà sẽ ngày càng phát triển, đưa sản phẩm ra nhiều thị trường ngoài nước.
Hân Minh. Ad