KỲ I: SỰ CHUYỂN ĐỘNG TỪ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Báo An ninh Hải Phòng đã có bài viết phản ánh về thực trạng lộn xộn trong khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện. Vừa qua, UBND TP cũng đã có đợt kiểm tra chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này ở huyện Thủy Nguyên. Việc làm rõ những nguyên nhân và từ đó đề ra những biện pháp khắc phục là một yêu cầu cấp bách trong lập lại trật tự quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Trung tuần tháng 6-2014, chúng tôi đã có dịp trở lại huyện Thủy Nguyên để tiếp tục tìm hiểu vấn đề này.
TRỮ LƯỢNG LỚN NHƯNG NHU CẦU CÒN LỚN HƠN
Theo ước tính, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên có trữ lượng tới 380 triệu m3 đá vôi, 33 triệu m3 silic và 360 triệu m3 sét. Đá vôi tập trung ở các khu vực thuộc địa bàn thị trấn Minh Đức, các xã: Gia Đức, Minh Tân, Lưu Kiếm, Liên Khê, Lại Xuân, An Sơn, Kỳ Sơn. Silic hoạt tính chủ yếu phân bố ở 5 quả đồi: Pháp Cổ, Phi Liệt, Thành Dền (xã Lại Xuân) và Quỳ Khê, Điệu Tú (xã Liên Khê).
Đặc biệt, đá vôi ở Thủy Nguyên không quá cứng, có nhiều vân đẹp, có tính đàn hồi, là nguyên liệu lý tưởng cho sản xuất xi-măng, vôi, đất đèn và các chất phụ gia cũng như để chế tác các sản phẩm làm vật liệu xây dựng khác. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có một số khoáng sản giá trị khác cũng có trữ lượng khá lớn như: sít đen, đá cát kết, dolomit…
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên có 21 đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Theo Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21-7-2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch và Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 9-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi-măng ở Việt Nam đến năm 2020 thì tổng trữ lượng khoáng sản quy hoạch trên địa bàn huyện Thủy Nguyên cung cấp cho sản xuất xi-măng từ năm 2006 đến năm 2010 và bổ sung đến năm 2015 vào khoảng 158,1 triệu tấn đá vôi, sét xi-măng và phụ gia xi-măng.
Bên cạnh đó là nhu cầu đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các dự án trên địa bàn thành phố vô cùng lớn. Do đó, nếu không được quản lý tốt thì nguồn đá vôi, silic và sét quý giá này sẽ bị sử dụng rất lãng phí cho nhu cầu san lấp mặt bằng vốn chỉ cần dùng đất đồi hoặc cát đen…
NGUYÊN NHÂN YẾU KÉM VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT
Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn cuối năm 2013 và đầu 2014, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với đá vôi diễn ra rất phức tạp, tập trung ở các khu mỏ: Trại Sơn C xã An Sơn và xã Lại Xuân (thuộc mỏ của Công ty xi-măng Phúc Sơn đã khai thác đến cốt dương và núi Ngà Voi, xã Minh Tân; đất silic ở núi Chùa, xã Lại Xuân (thuộc đất đã giao cho Trại giam Xuân Nguyên).
Đánh giá về những nguyên nhân sai phạm trên, ông Lê Minh Luật, Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên thẳng thắn chỉ rõ:
Thứ nhất, UBND các xã có mỏ đã buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các đối tượng sai phạm.
Thứ hai, đơn vị được cấp phép giao mỏ để khai thác không thực hiện, không phối hợp với chính quyền địa phương quản lý bảo vệ nguồn khoáng sản.
Thứ ba, đơn vị đang làm thủ tục xin cấp phép khai thác, đơn vị đã được giao đất không thực hiện tốt công tác quản lý mốc giới, bảo vệ nguồn khoáng sản trong mốc giới đã được giao.
Thứ tư, một số doanh nghiệp làm thủ tục xin cấp phép và việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng chậm trễ, manh mún, nhiều đơn vị cùng xin cấp phép khai thác vào một khu mỏ dẫn đến tranh thủ, chiếm chỗ trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xét duyệt dự án đầu tư.
Thứ năm, hiện nay trên địa bàn thành phố thu hút nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần một khối lượng vật liệu để san lấp mặt bằng rất lớn nhưng trong khi nguồn vật liệu thông thường được cấp phép khai thác rất hạn chế, dẫn đến khai thác lậu, khai thác bừa bãi đá, silic. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp tuy được cấp phép khai thác nhưng đã tranh thủ mua gom khoáng sản khai thác trái phép, làm phức tạp tình hình và rất khó xử lý.
Ông Lê Minh Luật cũng cho biết thêm, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã Lại Xuân, An Sơn, Minh Tân nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, để xảy ra tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn địa phương trong thời gian vừa qua.
Nói về các giải pháp cấp bách trước mắt, ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, huyện đã triển khai: Một là giao trách cho hai đồng chí bí thư, chủ tịch các xã có mỏ. Nơi nào còn để xảy ra khai thác trái phép mà không ngăn chặn, báo cáo huyện ngăn chặn thì sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân. Hai là, đã yêu cầu Công an huyện phân công 4 đồng chí Phó trưởng công an huyện trực tiếp phụ trách theo dõi giám sát chỉ đạo công tác này ở 4 xã trọng điểm: Lại Xuân, An Sơn, Minh Tân và Liên Khê. Ba là, yêu cầu các đơn vị được giao mỏ phải có phương án tự quản lý, bảo vệ mỏ của mình. Cùng với đó, từ huyện đến các xã làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ, cùng tham gia quản lý giám sát việc khai thác khoáng sản ở địa phương.
Với những giải pháp quyết liệt đó có thể thấy, hoạt động quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đã có sự chuyển biến tích cực. Như khẳng định của ông Nguyễn Trần Lanh thì đến thời điểm này mọi hoạt động khai thác trái phép cơ bản đã được chấm dứt.
Tuy nhiên để lập lại trật tự ổn định, vững chắc trên lĩnh vực này, còn rất nhiều vấn đề đặt ra từ thực tế cuộc sống cũng như trong cơ chế quản lý cần được giải quyết triệt để. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong các số báo sau.
Vũ Đức Tâm - Trần Phương