31.7.14

Lập lại trật tự trong quản lý khai thác khoáng sản ở huyện Thủy Nguyên KỲ IV: Xóa bỏ cơ chế xin - cho

Thực ra, những ai quan tâm vấn đề này đều biết rằng, tình trạng lộn xộn trong khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Thủy Nguyên nói riêng, thành phố và cả nước nói chung đã kéo dài suốt nhiều năm qua. Và đây cũng không phải là lần đầu người dân, doanh nghiệp bức xúc kiến nghị, báo chí lên tiếng và cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh… Tuy nhiên, những việc làm đó chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”, trật tự chỉ được vãn hồi trong một thời gian ngắn rồi lại đâu vào đó, tiếp tục tái diễn tình trạng khai thác trái phép, vi phạm. Và cũng phải thẳng thắn thừa nhận, từ đó đã nảy sinh không ít tiêu cực.
Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này? Chúng tôi cho rằng, bên cạnh rất nhiều nguyên nhân khác thì cơ chế XIN - CHO chính là vấn đề mang tính mấu chốt!



HẬU QUẢ NẶNG NỀ
Như các phần trên đã trình bày, việc khai thác khoáng sản trên địa bàn Thủy Nguyên phục vụ ba mục đích chính: làm nguyên liệu sản xuất xi-măng; làm vật liệu san lấp mặt bằng và xây dựng; làm vật tư để sản xuất ra một số sản phẩm công nghiệp như vôi, đất đèn, bột nhẹ… Do khai thác thiếu tính tổ chức nên dẫn đến lãng phí tài nguyên rất đáng tiếc, đá vôi chất lượng cao bị sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng thay cho đất núi, đá cấp phối, cát đen, nhất là đá vôi đã được vận chuyển khối lượng lớn san lấp mặt bằng lấn biển khu du lịch Hòn Dáu (Đồ Sơn); hay như loại đá vôi có vân hoa đẹp không được dành cho cưa xẻ làm đá trang trí mà dùng sản xuất clanhke hay san lấp mặt bằng…
Tình trạng khai thác lộn xộn, sai phép, trái phép, sai quy trình còn dẫn đến sự tàn phá môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của cư dân trong vùng, tàn phá hạ tầng giao thông nông thôn. Các khai trường sau khi khai thác xong hầu hết không thực hiện yêu cầu hoàn nguyên, san lấp mặt bằng và trồng cây xanh theo quy định mà hậu quả còn lại những khung cảnh hoang tàn, thùng hố rất nguy hiểm, chính quyền địa phương và nhân dân không thể sử dụng vào việc gì.
Một hậu quả khác từ tình trạng khai thác tùy tiện, tận thu, thủ công lạc hậu là sự mất an toàn cho công nhân và người dân trong vùng. Ở huyện Thủy Nguyên, dường như không năm nào không xảy ra một vài vụ lở đá gây thiệt hại tài sản và tính mạng con người, có vụ rất nghiêm trọng, làm chết một lúc nhiều người.
Mất công bằng xã hội trong thụ hưởng nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên cũng là một điều đáng nói. Người dân địa phương kêu ca rằng mặc dù là tài nguyên trên quê hương họ nhưng không hề được hưởng lợi gì ngoài việc phải gánh chịu ô nhiễm và nguy hiểm, đường sá bị phá hỏng. Mặc dù hàng nghìn lao động địa phương có nghề làm nghề đá nhưng nay không được phép khai thác mà phải đi làm thuê cho các doanh nghiệp, đầu nậu, chủ yếu từ các địa phương khác đến.
Hậu quả cuối cùng là thất thu cho ngân sách. Với mức thuế tài nguyên khá rẻ mạt thì nguồn thu cho ngân sách thực sự không được nhiều, chưa kể do tình trạng khai thác lộn xộn, các doanh nghiệp rất dễ trốn thuế bằng việc kê khai bớt khối lượng. Chưa kể không ít doanh nghiệp còn trốn tránh việc đặt cọc tiền hoàn nguyên bảo vệ môi trường và sau này không ai khác chính ngân sách nhà nước sẽ phải bỏ ra để giải quyết hậu quả.
BÁN QUYỀN KHAI THÁC MỎ
Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản từ nhiều năm nay vẫn được vận hành theo cơ chế xin - cho. Trước hết, doanh nghiệp căn cứ vào quy hoạch đã có hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung quy hoạch để lập dự án xin khai thác khoáng sản. Việc xét duyệt cấp phép phải thông quan rất nhiều cơ quan hữu quan và một quy trình hết sức phức tạp, kéo dài đến cả năm trời. Sau khi được cấp phép khai thác mỏ, doanh nghiệp lại còn phải làm thủ tục xin giao đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng rồi mới đưa vào khai thác…
Khó khăn là vậy nhưng do đây là lĩnh vực siêu lợi nhuận nên các doanh nghiệp vẫn quyết tâm theo đuổi. Mà chỉ những doanh nghiệp có “máu mặt”, có tiềm lực tài chính mạnh mới “chạy” được giấy phép. Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp có giấy phép khai mỏ là từ nơi khác đến, số doanh nghiệp địa phương tại chỗ rất ít.
Cũng từ cơ chế xin - cho nên không tránh khỏi tiêu cực. Theo chính quyền địa phương và nhân dân phản ánh, có không ít doanh nghiệp có giấy phép nhưng không tổ chức khai thác mà bán lại giấy phép, ủy quyền cho đơn vị khác khai thác. Có doanh nghiệp “chạy” được giấy phép nhưng không có nghề, thuê lại người địa phương đứng ra tổ chức khai thác theo kiểu khoán thầu để hưởng lợi.
Để hình dung những tiêu cực dễ phát sinh trong cơ chế xin cho trong việc cấp giấy phép khai thác mỏ, chúng ta có thể liên hệ với việc xin cấp đất ở trước đây. Nay nhà nước xóa bỏ việc cấp đất mà thay vào đó là bán đấu giá quyền sử dụng đất ở thì mọi tiêu cực trên lĩnh vực này hầu như đã được triệt tiêu.
Trước tình hình phức tạp trong việc cấp phép khai thác mỏ, mới đây, ngày 28-11-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP “Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính bằng tỉ lệ % (từ 1 đến 5% tùy từng loại khoáng sản, đối với đá vôi là 3%) giá trị quặng nguyên khai trước khi tiến hành khai thác mỏ. Đối với các trường hợp đã được cấp phép trước đây thì doanh nghiệp được trừ đi phần trữ lượng đã khai thác, đã nộp thuế tài nguyên, phần còn lại đưa vào nộp tiền cấp quyền khai thác.
Ý nghĩa thực tế của việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có thể được hiểu nôm na là nhà nước bán quyền khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp tổ chức khai thác để chống thất thu ngân sách và khắc phục một phần tiêu cực trong cơ chế xin - cho.
Tuy nhiên, để khắc phục tận gốc, triệt để vấn đề, chúng tôi đồng tình với ý kiến đề xuất nhà nước nên cho áp dụng cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, căn cứ vào quy hoạch khai thác, các doanh nghiệp có đủ điều kiện đều sẽ được quyền tham gia đấu giá để khai thác khoáng sản theo đúng quy định của nhà nước. Số tiền chênh lệch thu được qua đấu giá (trên mức giá sàn của nhà nước theo tỉ lệ % như nói ở trên) ưu tiên để lại đầu tư làm đường và các công trình phúc lợi cho nhân dân địa phương. Làm như vậy vừa tạo nguồn thu cao tối ưu cho ngân sách nhà nước, vừa bảo đảm công bằng xã hội.
Vũ Đức Tâm - Trần Phương