Điều dễ nhận thấy, hoạt động khai thác diễn ra khá lộn xộn có nguyên nhân là do cơ chế cấp phép, quản lý, thanh kiểm tra còn nhiều kẽ hở.
Quy hoạch, cấp phép ngày càng mở rộng
Theo Quyết định số 1065 của Thủ tướng Chính phủ ngày 9-7-2010 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020, huyện Thủy Nguyên có 6 dự án xi măng. Trong đó, 5 nhà máy đang hoạt động gồm: xi măng Hải Phòng, xi măng Chinfon, xi măng Phúc Sơn, xi măng Tân Phú Xuân, xi măng Xuân Thủy. Riêng dự án xây dựng nhà máy xi măng Trường Sơn của Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh ở xã Gia Đức đã xin chuyển đổi thành dự án xây dựng Nhà máy vật liệu xây dựng Trường Sơn…
Theo các nhà chuyên môn, nếu các nhà máy xi măng nói trên hoạt động liên tục trong vòng 50 năm hết công suất thiết kế thì sẽ phải "ngốn" hết khoảng 500 triệu m3 đá vôi (chưa kể chất phụ gia), trong khi trữ lượng đá vôi của Thủy Nguyên chỉ vào khoảng 380 triệu m3 mà thôi. Do vậy muốn có đủ nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy xi măng này hoạt động, trong tương lai chỉ còn cách vươn ra khai thác đá ở nơi khác. Thực ra điều đó cũng đã có tiền lệ.
Đó là Nhà máy xi măng Phúc Sơn được cấp phép xây dựng ở Kinh Môn (Hải Dương), nhưng trong quy hoạch cấp mỏ khai thác nguyên liệu lại là dãy núi đá Trại Sơn thuộc các xã An Sơn, Lại Xuân của huyện Thuỷ Nguyên. Nhà máy xi măng Hải Phòng mới xây dựng tại Tràng Kênh - Thủy Nguyên nhưng lại được quy hoạch vùng nguyên liệu tận bên Uông Bí (Quảng Ninh). Nay do không giành được quyền khai thác mỏ ở Quảng Ninh như dự kiến khiến xi măng Hải Phòng đang bị rơi vào tình trạng “đói” nguyên liệu trầm kha.
Ngược lại, xi măng Phúc Sơn được thỏa sức đào đá ở khu vực An Sơn - Lại Xuân của Thủy Nguyên đang để lại không ít hệ lụy, khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Mặt khác, cũng đang tồn tại một nghịch lý, đó là thị trường xi măng Việt Nam cung đã vượt cầu rất xa, trong khi các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục cấp phép xây dựng thêm 2 nhà máy sản xuất xi măng mới ở Thủy Nguyên. Đá vôi ở Thủy Nguyên đâu chỉ phục vụ phát triển sản xuất xi măng, còn hàng trăm nhu cầu khác về đá vôi. Rõ ràng công tác quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản chưa hợp lý.
Đáng chú ý là nhiều điểm mỏ nằm trong vùng an ninh quốc phòng, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cũng được đưa vào diện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cho khai thác khoáng sản. Cụ thể như các khu vực: núi Hang Lương (xã Gia Minh); núi Ngà Voi, núi Hang Ốc (xã Minh Tân); núi Thành Dền (xã Liên Khê); khu Đình Sen, khu Mã Chàng (xã Lưu Kiếm); núi Mã, núi Hang Tuần (xã Gia Đức)…
Thậm chí một số hang động có tiềm năng du lịch như núi Hang Lương I, Hang Lương II, Hang Lương III, hang Ỏ, hang Luồn, Hang Tuần, hang Đốc Tít, hang K131… trên địa các xã Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Minh Tân, Gia Minh, Gia Đức, An Sơn, Lại Xuân… cũng đưa vào quy hoạch khai thác khoáng sản. Quả núi Hang Trúc, ở xã Lưu Kỳ, trữ lượng chỉ vẻn vẹn 16.800m3, lại nằm đơn lẻ rất đẹp giữa cánh đồng song vẫn được đưa vào quy hoạch khai thác. Việc khai thác mỏ ở đây không những tàn phá tài nguyên khoáng sản mà còn phải phá hủy một diện tích mặt bằng không nhỏ đất đai là đồng ruộng…
Quy trình khai thác lạc hậu
Theo phản ánh của người dân, hầu hết các chủ khai thác mỏ đá ở Thủy Nguyên là từ các địa phương khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương đến khai thác. Trong khi nhân dân địa phương hàng chục đời nay sống với nghề này lại không được khai thác. Nhức nhối nhất là tình trạng mua bán lại quyền khai thác mỏ đã gây ra không ít rắc rối cho việc quản lý.
Tại không ít khu vực khai mỏ, môi trường sống ô nhiễm, đường giao thông bị xuống cấp; doanh nghiệp chỉ “chăm lo” khai thác, tìm kiếm lợi nhuận tối đa mà không quan tâm đến an toàn lao động, phục hồi môi trường, hạ tầng giao thông… Phần lớn công đoạn khai thác vẫn sử dụng sức người là chính bằng phương pháp khai thác bán thủ công. Để khoan các lỗ mìn, công nhân vẫn sử dụng hệ thống khoan tay chạy bằng khí nén bóc theo vách núi một cách tùy tiện, không đúng quy trình khai thác...
Các xã Lại Xuân, An Sơn, Minh Tân, Liên Khê vốn có hàng nghìn xã viên thuộc các HTX chuyên làm nghề khai thác, chế biến đá. Nghề khai thác, chế biến đá (sản xuất vật liệu xây dựng, nung vôi…) đã trở thành nghề truyền thống của các địa phương này. Nhưng từ năm 2005, khi nhà nước tăng cường công tác quản lý khoáng sản thì các HTX chuyên nghề khai thác, chế biến vật liệu xây dựng không được cấp phép khai thác, người lao động không có việc làm tại HTX đành tìm cách khai thác tận thu để sinh sống. Hoạt động khai thác tận thu trái phép này vẫn cứ âm thầm diễn ra vì có sự tiếp tay của không ít các doanh nghiệp với chiêu thức thu mua nguyên vật liệu trôi nổi.
Nhức nhối nhất là vẫn là những gì đã diễn ra trên địa bàn xã An Sơn và xã Lại Xuân. Mỏ Trại Sơn A, C thuộc các xã An Sơn, Lại Xuân được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và Bộ Tài nguyên & Môi trường, UBND thành phố cấp cho Công ty xi măng Phúc Sơn và HTX nông nghiệp An Sơn khai thác làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
Sau khai thác xong khu mỏ Trại Sơn A, C, Công ty xi măng Phúc Sơn đã không làm thủ tục đóng cửa mỏ và bàn giao mặt bằng cho địa phương quản lý theo quy định mà còn “bật đèn xanh” cho hoạt động khai thác trái phép của HTX nông nghiệp An Sơn và các cơ sở khai thác đá trên địa bàn. Hậu quả là biến khu mỏ thành một hồ nhân tạo khổng lồ rộng gần 20ha, sâu tới 40m, không những tàn phá cảnh quan môi trường mà còn nguy hiểm cho nhân dân địa phương.
Đến nay các “điểm nóng” về khai thác khoáng sản tại núi Ngà Voi, núi Hang Ốc (đá vôi) ở Gia Minh và Minh Tân; núi Bụt Mọc (đá vôi), núi Thành Dền và núi Quỳ Khê (silic) ở Liên Khê; khu núi đá vôi Trại Sơn ở hai xã An Sơn và Lại Xuân… đã cơ bản được quản lý. Theo ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, tình hình hoạt động khai thác trên địa bàn đã từng bước đi vào nề nếp, công tác thẩm định, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản thực hiện chặt chẽ hơn, theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục như: tình trạng các doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép khai thác mỏ nhưng không thực hiện cắm mốc chỉ giới và bố trí lực lượng bảo vệ tài nguyên; tiến hành xây dựng cơ bản mỏ và đưa mỏ vào hoạt động chậm so với giấy phép; khi hết phép khai thác không thực hiện việc hoàn nguyên và cải tạo môi trường, bàn giao mặt bằng cho địa phương theo quy định; tình trạng khai thác trái phép nhỏ lẻ chưa được ngăn chặn triệt để, ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, gây thất thu ngân sách; việc cấp phép còn chồng lấn giữa các doanh nghiệp, phát sinh tranh chấp; việc kiểm tra, giám sát sau cấp phép còn buông lỏng…
(còn nữa)
Vũ Đức Tâm - Trần Phương