31.7.14

Lập lại trật tự trong quản lý khai thác khoáng sản ở huyện Thủy Nguyên Kỳ II: Cần nhân rộng mô hình Chinfon

Mới đây, trong buổi làm việc về công tác bảo đảm an toàn lao động trong khai thác mỏ, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Trần Lanh thẳng thắn thừa nhận rằng: Trong số 21 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động khai thác đá vôi, sillic, sét ở huyện Thủy Nguyên thì duy nhất chỉ có đơn vị trực thuộc Công ty xi măng Chinfon là tổ chức khai thác đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn như có thiết kế mỏ, thực hiện quy trình khai thác cắt tầng an toàn; không những thế, đây cũng là một trong số ít những doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tích cực tham gia vào các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường của địa phương.
Sử dụng đến 80% lao động là người địa phương


 Qua giới thiệu của Văn phòng công ty, kỹ sư Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch mỏ của Công ty xi măng Chinfon đưa chúng tôi đi thị sát công trường khai mỏ đá tại khu vực núi Chu Chương bên sông Thải. Là một người trực tiếp tham gia khảo sát thực địa để lập quy hoạch tổng thể vùng nguyên liệu, “chạy” giấy phép khai thác và quy hoạch mỏ ngay từ những ngày đầu, kỹ sư Nguyễn Văn Đạt kể vanh vách về những địa điểm nằm trong khu bất khả xâm phạm của quần thể di tích lịch sử - danh thắng Tràng Kênh - Bạch Đằng. Kỹ sư Đạt cho biết, xen kẽ trong khu vực khai thác mỏ của Công ty xi măng Chinfon và Công ty xi măng Hải Phòng có các quả núi Con Hươu, Mỏ Vịt, núi Một, núi Cánh Chim… thuộc diện bất khả xâm phạm. Anh nói, khi bắt tay vào thiết kế mỏ và lựa chọn phương pháp khai thác, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo rõ ràng: Việc khai mỏ tránh làm theo kiểu “đâm lao chém với”, mà phải thỏa mãn mọi tiêu chí về an toàn lao động, bảo vệ môi trường, không gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt thường nhật của nhân dân cũng như các di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh.
Lúc bấy giờ, thị trấn Minh Đức có tới gần 1.000 xã viên HTX chuyên khai thác đá và nung vôi đứng trước nguy cơ bị “giật” mất cần câu cơm vì sự xuất hiện của Chinfon Hải Phòng. Bên cạnh đó, dư luận đồn thổi về những chuyện hoang đường về việc người Tàu chôn của, xi măng Chinfon mò sang để đào lấy mang về… khiến không ít người dân nhìn cán bộ, kỹ sư mỏ dự án xây dựng Nhà máy xi măng Chinfon Hải Phòng bằng đôi mắt nghi ngờ…
Nắm bắt được nhu cầu về công ăn việc làm của cư dân địa phương, Công ty xi măng Chinfon Hải Phòng trực tiếp ký hợp đồng lao động với hầu hết xã viên HTX Minh Đức đủ tiêu chuẩn, góp phần từng bước xóa bỏ các hoạt động khai thác đá “thổ phỉ”…
Để có mỏ đá khai thác nguyên liệu phục vụ hoạt động của nhà máy, bên cạnh công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi theo phương án bồi thường của UBND huyện Thủy Nguyên, công ty ký hợp đồng lao động với khoảng 400 lao động, thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, số lao động là người địa phương làm việc trong các đơn vị nhà thầu khác cũng khoảng 500 người. Theo kỹ sư Nguyễn Văn Đạt, hiện tại số đội ngũ công nhân của công ty là người địa phương đang làm việc tại các tổ đội chuyên về khoan lỗ mìn, nổ mìn, nghiền nguyên liệu, sửa chữa cơ khí, xúc bốc nguyên liệu, lái xe… xấp xỉ trên 100 người - chiếm 80% lao động khai thác mỏ.
Tính đến 31-12-2013, trữ lượng đã khai thác là hơn 3 triệu tấn, tổng sản lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác từ khi cấp phép đến nay là 38.960.441 tấn; trữ lượng địa chất còn lại khoảng 61 triệu 825 nghìn tấn.           
Khai thác theo công nghệ hiện đại
Theo báo cáo mới nhất của Công ty xi măng Chinfon (tháng 12-2013): Diện tích khu vực  khai thác 165,5ha; độ cao khai thác từ mặt địa hình đến cao độ + 2m; trữ lượng được phép khai thác 82 triệu tấn, công suất được phép khai thác 4 triệu tấn/năm, thời hạn khai thác là 50 năm (giấy phép khai thác số 39 QĐ/QLTN ngày 26-1-1994). Năm 1996, công ty được cấp giấy phép khai mỏ số 380 QĐ/QLTN ngày 6-2-1996 của Bộ Công nghiệp về việc cho phép khai thác đất sét sản xuất xi măng, với diện tích khu vực khai thác 79,8ha, trữ lượng 16.880 nghìn tấn, công suất 900.000 tấn/năm (theo thiết kế khai thác, thời hạn giấy phép là 30 năm; tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng, đơn vị đã ký quỹ phục hồi môi trường 10,5 tỷ đồng…
Năm 2008, Công ty xi măng Chinfon tiếp tục được cấp giấy phép khai mỏ số 1885/GP-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường với diện tích khu vực khai thác đá vôi là 23ha, độ cao khai thác từ mặt địa hình đến cao độ +3m; trữ lượng địa chất 14.440 nghìn tấn; công suất khai thác 455.400 tấn/năm; thời hạn giấy phép hết hạn là 26-9-2038; tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng; ký quỹ phục hồi môi trường 5,5 tỷ đồng…
Về hoạt động khai thác khoáng sản, riêng năm 2013, Công ty xi măng Chinfon đã đầu tư 95 tỷ đồng cho thiết bị mỏ, 32 tỷ đồng mở mỏ xây dựng cơ bản, nộp 6 tỷ đồng vào quỹ phục hồi môi trường; khối lượng khoáng sản nguyên khai đưa vào chế biến 3.449,529 tấn; tổng doanh thu đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng, lập ngân sách 213 tỷ đồng (trong đó thuế tài nguyên 14 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp 134 tỷ đồng, tiền thuê mỏ 1,5 tỷ đồng, phí nước thải 163 triệu đồng)…
Để đảm bảo an toàn trong khai thác mỏ, lãnh đạo Công ty xi măng Chinfon thường xuyên chỉ đạo đơn vị khai thác mỏ nghiêm túc thực hiện phương pháp “bạt ngọn, cắt tầng, phân lớp…” hoàn toàn bằng cơ giới hóa (khai thác từ trên đỉnh xuống dưới, từ trong lòng núi hất ra...). Cách khai thác này tương tự như cách khai thác than lộ thiên ở mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh).
Theo đó, mỗi tầng phải “bạt” rộng ra và làm đường dẫn để “bóc” hết lớp đá này đến lớp đá khác đến cốt + 3m thì dừng hẳn. Theo kỹ sư Đạt, cách khai thác này không những cho năng suất cao hơn hẳn so với khai thác thủ công, tuyệt đối an toàn mà còn giúp hình thành các bờ đai toàn ngăn cánh giữa khu khai thác mỏ với dân cư và di tích lịch sử - danh thắng liền kề. Đặc biệt, mạng lưới giao thông nội bộ của khu mỏ được công ty hợp đồng với lực lượng cảnh sát giao thông nghiên cứu, lắp đầy đủ và đồng bộ hệ thống các biển báo chỉ dẫn giao thông giống như ở các khu đô thị...
Không những thế, Công ty xi măng Chinfon luôn thực hiện nghiêm quy trình khai thác đến đâu hàn nguyên môi trường đến đấy (phủ lớp đất màu và trồng cây xanh lên trên). Được biết, sang năm 2015, Công ty xi măng Chinfon sẽ bàn giao 15ha diện tích đất đã hoàn nguyên môi trường đầu tiên cho địa phương quản lý…
Thực hiện phương châm “Trở thành một doanh nghiệp mà xã hội cần”, Công ty xi măng Chinfon đã đầu tư kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính của thị trấn Minh Đức rất khang trang; 300 triệu đồng xây dựng đường điện chiếu sáng và trả tiền điện chiếu sáng công cộng khu vực thị trấn Minh Đức (300 triệu đồng/năm). Hàng năm, công ty đều dành hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ các em học sinh địa phương có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó; tặng quà hàng trăm hộ nghèo…
Xi măng Chinfon trở thành thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam và thị trường quốc tế. Năm 2013, đơn vị đứng vị trí 70 trong bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và là doanh nghiệp đứng thứ nhất ngành công nghiệp xi- măng Việt Nam, doanh thu gần 5.056 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2012; nộp ngân sách gần 210 tỷ đồng. Công ty đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín về bảo vệ môi trường.
 Vũ Đức Tâm - Trần Phương