21.1.14

HẢI PHÒNG NHỚ ĐÂU GHI ĐẤY

Văn Công Hùng

Hải Phòng còn có Đồ Sơn với biết bao đồn thổi thêu dệt, hư thực thực hư, nhưng tôi quý cái sự Đồ Sơn là nó biết thỏa mãn nhu cầu con người, không đi ngược quy luật, không giả dối, không nói một đằng làm một nẻo. Chuyện Đồ Sơn đến đây chấm dứt, ai tò mò thì tự tìm hiểu…



Té ra Hải Phòng khác xa với những gì tôi tưởng.

Trong tôi Hải Phòng luôn lẫm liệt và oai hùng, gồ ghề những xi măng sắt thép, ngổn ngang công trường xây dựng, với ồn ào náo nhiệt và cả những giọt mồ hôi nhễu nhợt trên má những người thợ.

Vài lần chạy qua Hải Phòng, lần lâu nhất là ngồi lại làm một bát canh bánh đa cua, đặc sản nổi tiếng Hải Phòng, rồi lại chạy. Hải Phòng cứ thấp thoáng sau lưng trước mặt…


Hải Phòng trong tôi còn là lừng danh những tên tuổi. Điều này đúng, giờ vẫn đúng. Khi biết tôi về Hải Phòng một bạn đã nhắn với theo xe “Hải Phòng gái thì đẹp trai thì tài”. Tất nhiên đầu bảng vẫn phải nhắc là cụ Nguyên Hồng, cụ Văn Cao, rồi sau đấy là một loạt người tài, nói tên lên là… nổi gai ốc. Thế nhưng khi gặp thì lại thấy họ hiền vô cùng, đến… nghi ngại. Hôm ngồi ăn sáng trên cái vỉa hè Trần Nhân Tông Hà Nội, nơi anh em các tỉnh về họp ở Hội Nhà Văn hay ngồi ăn (vì nó gần trụ sở Hội), bác Thi Hoàng nhanh nhảu đứng dậy trả tiền, nhà văn Trần Đức Tiến nói: sướng nhất là ăn sáng được bác Thi Hoàng trả tiền. Nhà Văn Trung Trung Đỉnh thì nói: ông Thi Hoàng đúng là Thi Bá. Thế mà thấy ông lúng túng đếm mấy tờ tiền trong cái ví nhăn nheo rút từ túi ngực cứ lọng cọng thế nào. Thế mà ông là tác giả của những câu thơ: Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh/ cây cứ biếc như vặn mình mà biếc… Rồi còn nhiều bác nữa, ông Thi Hoàng kể, có hồi nhóm văn nghệ Hải Phòng lên Hà Nội là cả Hà Nội xôn xao, mà hồi ấy Thi Hoàng còn là em út.

Hậu sinh không biết nhiều, nhưng tôi nghe Hải Phòng từng là nơi sinh ra và quy tụ rất nhiều người tài hoa của đất nước. Chả cứ văn nhân nghệ sĩ, mà ở nhiều thành phần khác. Cả bóng tối và ánh sáng, cả đỉnh cao và vực sâu. Thì cứ đọc Nguyên Hồng ấy, cái thời ấy, lầm than đến thế, khốc liệt đến thế, man rợ đến thế nhưng vẫn nhoi nhói nhoi nhói những ấm áp những tình người. Vườn hoa đưa người cứ nhộn nhịp thao thiết trong tâm khảm bao lớp người đọc với những cảm thông chia sẻ, với yêu thương bộn bề…

Hải Phòng còn có Đồ Sơn với biết bao đồn thổi thêu dệt, hư thực thực hư, nhưng tôi quý cái sự Đồ Sơn là nó biết thỏa mãn nhu cầu con người, không đi ngược quy luật, không giả dối, không nói một đằng làm một nẻo. Chuyện Đồ Sơn đến đây chấm dứt, ai tò mò thì tự tìm hiểu…

Hải Phòng còn lừng danh hoa… cải. Không phải hoa phượng mà là hoa cải, một loại súng tự chế. Giang hồ Hải Phòng lừng danh khắp nước, trở thành thương hiệu, và vì thế mà công an Hải Phòng cũng nổi tiếng không kém. Quả là cái danh thành phố hoa phượng đỏ nổi lên từ bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ” của Lương Vĩnh và Hải Như từ thời chiến tranh phá hoại. Sau này đi nhiều tôi thấy té ra nhiều tỉnh thành khác còn nhiều hoa phượng hơn, hoa phượng còn nhiều loại nhiều màu hơn, nhưng đã chết cái tên hoa phượng cho Hải Phòng rồi. Các bạn trẻ Hải Phòng bây giờ thi thoảng hát vẫn chệch đi một tí: Tháng 5 rợp trời hoa… cải đỏ/ ôi Hải Phòng thành phố yêu thương… Lại tủm tỉm cười với ý nghĩ, cái thời Văn Cao còn trong đội trừ gian, súng dắt trong người diệt ác, chưa có súng hoa cải, chứ nếu có, có khi ông lập công to rồi…

Hải Phòng tôi về trữ tình và tĩnh lặng. Thành phố mát xanh cây và hoa. Từng góc phố có vẻ như đều được chăm chút bằng con mắt vừa khoa học vừa tỉ mẩn. Thành phố cao và rộng. Là cái chiều mắt của mình vẫn có cơ hội để vươn lên cao và phóng ra xung quanh, dẫu sự lấn át của những khối nhà đồ sộ là điều không thể cản. Một thời ở miền Bắc, sau Hà Nội là Hải Phòng, Hải Phòng trở thành mơ ước của con dân nhiều tỉnh thành khác, mong một lần đến, ước một lần dạo chơi dưới nền hoa phượng. Các nhà văn gốc Hải Phòng khoe với tôi, cả nước chỉ có 3 thành phố có nhà hát lớn là Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng. Và lái xe chạy một vòng nhà hát lớn cho tôi ngắm…



Cái cuộc đi này cũng là ngẫu hứng. Có một chiều và một đêm rỗi ở Hà Nội, tôi rủ nhà văn Sương Nguyệt Minh, người hơn tôi là có cả quê bố mẹ đều Ninh Bình, quê vợ cũng Ninh Bình, còn tôi nhõn mẹ quê Ninh Bình, rằng nhảy xe về Ninh Bình chơi. Ông Minh đồng ý, bảo tôi tự nhảy xe ôm ra Giáp Bát đợi ông cũng nhảy xe ôm từ nhà ra. Chuẩn bị đi thì có một anh bạn bảo ngồi đấy anh sẽ cho xe chở thẳng xuống Ninh Bình, thế là tôi điện lại cho Sương Nguyệt Minh, nói đến khách sạn tôi ở rồi đi luôn. Chuyến đi ấy không thực hiện được vì bạn không điều được xe, chúng tôi đành đi ăn trưa rồi sẽ tiếp tục hành trình Ninh Bình. Nhưng đang ăn thì Sương Nguyệt Minh bảo Ninh Bình ông mới đi rồi, Hải Phòng chưa đi vậy thì ta đi Hải Phòng, huống gì Hải Phòng có một ông rất hay, nếu gặp thì mê luôn. Vậy là đổi hướng. Và trong tôi vụt nhớ nhà thơ Vũ Thành Chung. Ông này dân Hải Phòng nhưng lên Hà Nội sống lâu rồi, làm ở Trung ương Đoàn, là nhà thơ nhưng giờ lại mê chụp ảnh, ngoài là hội viên hội Nhà Văn còn là hội viên hội Nghệ sĩ Nhiếp Ảnh, và giờ ngồi chỉ nói chuyện… giải thưởng ảnh. Quan trọng là ông này có ô tô xịn và rất nhiều lần ông điện cho tôi: bao giờ chú ra Hà Nội, điện phát, 15 phút sau tôi sẽ làm lái xe riêng của chú… Được một ông lái xe như thế thì còn gì bằng, có thuê cả thế giới này cũng không ra, huống gì ông tuyên bố phục vụ không công, luôn luôn hết mình, đi nhẹ nói khẽ cười duyên và không bắt ai… cười theo khi ngồi trên xe ông…

Tất nhiên trên xe toàn nói chuyện Hải Phòng. Vũ Thành Chung vừa lái xe vừa làm guide, anh kể vanh vách Cầu Đất Cầu Rào Cầu Sắt, sông Lấp sông Cấm, chợ Sắt bến Bính… bên cạnh những cái tên rất Nôm thì lại có những cái tên rất lãng mạn, như Tam Bạc chẳng hạn… vân vân. Có cả thơ nữa: Hải Phòng có lắm chuyện rồ/ sông thì đem Lấp còn Đồ đem Sơn… Lại nhớ năm nào một tờ báo tổ chức cả cơ quan đi nghỉ ở Đồ Sơn, trong cơ quan có một cặp vợ chồng cùng tham gia chuyến đi. Trên xe một bác tếu táo: Đi Đồ Sơn mang đồ nhà/ suy đi tính lại biết là đồ… ngu.

Trong những năm chiến tranh đánh phá ác liệt, khi mà “Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác có thể bị hủy diệt”, Vũ Thành Chung là lính trinh sát trong Chỉ huy sở phòng không Hải phòng. Khi xe đi qua nhà số 2 phố Lạch Tray, ông kể: Dưới tòa nhà 3 tầng này là Chỉ huy sở, ngày ấy chưa có nhà tầng mà là chiếc hầm bê tông sâu 20 mét rộng khoảng năm chục mét vuông, có hai lối lên xuống. Trong hầm được trang bị các máy dò tìm máy bay cường kích,tiêm kích, B52 từ xa để thông báo cho các đơn vị trực chiến miền Duyên Hải chủ động đánh địch, và phòng tránh, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của quân và dân thành phố Hải Phòng. Chỉ huy sở bị địch đánh phá mấy lần. Cạnh hầm là 10 chiếc quan tài đỏ chói. Chung nói đùa: Đồng chí nào hy sinh trước thì được một chiếc, đồng chí nào hy sinh sau thì chỉ bó tăng thôi… Vũ Thành Chung cũng đã chết hụt mấy lần.



Vòng 3 vòng thành phố cho kẻ lạ là tôi chiêm ngưỡng, xe dừng trước vườn hoa thành phố, đối diện vườn hoa là một ngôi nhà trông khá đơn giản, bên ngoài bày bán đồ thể thao, cũng lơ thơ thôi, chứng tỏ chủ nhân không chú trọng lắm đến việc buôn bán mặt hàng này. Chúng tôi sẽ ăn cơm chiều tại đây.

Thì ra đấy là một ngôi nhà không hề bình thường. Chủ nhân của nó là Hiếu, gọi Hiếu đồ cổ trong khi tên thật là Phạm Xuân Hiếu. Vì là khách quý, chúng tôi được mời vào gian trong, và ăn cơm ngay ở đấy. Cơm thì đơn giản, do con gái ông nấu, nhưng Sương Nguyệt Minh nhắc nhỏ tôi: cẩn thận, cái bát ông đang ăn cơm cả một đống tiền đấy. Tôi thì mù tịt về cái món cổ ciếc này, vì thế cầm đôi đũa dài ngoằng đen trũi cách đây mấy trăm năm các quan từng ăn tôi thấy nó cũng như đôi đũa tre một lần ăn trưa ấy ở phố Nguyễn Du Hà Nội. Bộ trường kỷ nghe Sương Nguyệt Minh thì thào hàng mấy tỉ tôi ngồi chỉ thấy… lạnh mông, đến nỗi ông Hiếu phải vào lấy mấy tấm lót ra. Rồi còn tràn ngập bao thứ khác. Ông Hiếu là người dễ gần, và có vẻ không hoắng như các ông đồ cổ khác, trái lại rất điềm đạm và hiền lành. Tôi kể tên mấy ông đồ cổ khủng mà tôi vô tình đọc trên báo thấy ông Hiếu đều… cười, ý là chưa là gì. Ông nói: các ông là nhà văn tôi mới mời ngồi trong này, chứ thường thì không ai được vào, nhất là giới… đồ cổ. Tóm lại hôm ấy chúng tôi ăn bữa cơm trị giá nhiều tỉ bạc, cái cảm giác nửa vô ưu nửa sung sướng pha chút lạ lẫm vẫn còn theo tôi đến giờ…

Vách, té ra đơn giản là cái cơ hoành của con bò hoặc lợn. Tại vì Hải Phòng có nhiều tên Nôm như đã kể nên sáng sau khi ông Hiếu bảo các ông thích ăn bánh đa cua hay bánh đa vách thì tôi chọn cua mà Sương Nguyệt Minh chọn vách. Cuối cùng tất cả vào một cái ngõ ngoằn ngoèo, vào một cái quán đơn giản nhưng đông khách. Bánh đa vách chính là bánh đa cua nhưng có thêm cái miếng vách, cái cơ hoành ngăn giữa lòng chay và lòng tạp con lợn. Bánh đa cua là một trong những đặc sản nổi tiếng của Hải Phòng. Nó bắt nguồn từ món ăn của con nhà nghèo, là bánh đa gạo lức, thái ra, nấu với canh cua rau dút, ăn thay cơm, giờ nó trở thành đặc sản, gắn với Hải Phòng như hoa phượng, hoa… cải. Trên Hà Nội tôi hay ăn ở một cái quán trên vỉa hè hàng Chiếu. Sài Gòn cũng có mấy quán khai trương tưng bừng.



Tối ấy, khuya rồi, Hải Phòng đã ngủ thì 3 chúng tôi thuê 1 phòng khách sạn 3 giường. Cả khách sạn hình như chỉ có 3 khách là chúng tôi. Lạnh run. Miền Bắc đã lạnh mà Hải Phòng lại sát biển, lạnh hơn là cái chắc. Đóng kín tất cả các cửa, kéo cái bàn vào giữa, ba anh em chúng tôi lôi chai rượu quê uống dở từ trưa ở phố Nguyễn Du Hà Nội, với một ít thịt ngan cũng… từ trưa, nhâm nhi đến gần sáng. Trong những câu chuyện không đầu không cuối của 3 kẻ mà nếu không có chuyến đi này thì rất khó gặp nhau chứ đừng nói lại ngủ chung 1 phòng, ngồi rụt đầu lại uống rượu như thế này, chúng tôi nhắc tới những bạn văn Hải Phòng mà vội quá không thể đến trình diện, những là đại ca Bùi Ngọc Tấn, Đình Kính, Thi Hoàng… đến các đàn anh các bạn Mai Văn Phấn, Tô Ngọc Thạch, Mạnh Thường, Minh Trí, Đinh Thường, Nguyễn Đình Minh, Dương Thị Nhụn, Công Nam, Thy Nguyên… Và té ra ngay ông Hiếu đồ cổ đây, cũng đã có 1 tập truyện ngắn, có mấy số báo Văn Nghệ in truyện ông vơ đét trang 1, chứng tỏ nó phải rất hay…

Sau cú canh bánh đa vách và cà phê nhà hát lớn Hải Phòng sáng sớm, chúng tôi lại ngược Hà Nội vì Sương Nguyệt Minh đã hẹn vợ sẽ về trước 11 giờ trưa. Biết làm sao được, có phải ai cũng oai hùng, coi… vợ bằng vung, vui đâu chầu đấy như tôi đâu?...

Pleiku 03/1/2014
V.C.H

(Bài lấy trên Blog Văn Công Hùng, đã xin phép tác giả)