***Cách nay mấy năm tôi có dịp dừng chân ở thành phố Đà Nẵng. Ban ngày công việc xong xuôi, đêm đến thảnh thơi, tôi rủ anh bạn cùng đi tham quan thành phố. Thời điểm bấy giờ, thành phố Đà Nẵng đã tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trực thuộc trung ương một thời gian rồi. Đô thị phát triển nhanh và quy củ, được cả nước khen ngợi nức nở.
Chúng tôi gọi hai xe xích lô thuê theo giờ với giá rất rẻ đi dạo các đường phố chính và dọc con sông Hàn. Quả đúng như câu các cụ "danh bất hư truyền", thành phố này phong quang, sạch đẹp và xem ra khá yên bình, với những đường phố thẳng tắp, vỉa hè rộng rãi, không có người ăn xin, không bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè. Thế nhưng về đêm Đà Nẵng khi ấy vẫn chỉ mang phong thái tỉnh lẻ, ngoài 10 giờ đêm mà thành phố đã vắng vẻ, ngoài đường chỉ thưa thớt khách du lịch gặp nhau là chính.
Người xích lô chở tôi yêu và am hiểu thành phố như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ (cái chất xích lô ở đây giống như ở Huế vậy). Anh nói về ông Nguyễn Bá Thanh, khi ấy còn là Chủ tịch thành phố như nói về một vị thần tượng. Anh ta bảo: Cánh xích lô và xe ôm ở Đà Nẵng biết ơn ông Bá Thanh vì năm nào ông ấy cũng cho họ tiền ăn tết, chắng khác nào như họ cũng là công nhân viên chức vậy (tất nhiên là bằng tiền nhà nước). Có ông Thanh thì mới có thành phố Đà Nẵng được như ngày hôm nay. Bao giờ ông Thanh chết thì họ sẽ lập miếu thờ ổng...
Gần đây lại nghe mấy chuyện lùm sùm trong việc xây dựng thành phố, nhất là việc ông Bá Thanh giải phóng mặt bằng với bàn tay sắt, đến nỗi có người phải tự thiêu vì uất ức, không biết uy tín ông Thanh còn được như trước không?
***Tôi có quê ngoại ở Huế nên luôn hoài niệm, chính Huế mới là thủ đô miền Trung. Đất nước mang hình chữ S với ba miền Bắc - Trung - Nam phân định bao đời, với ba thủ phủ đã đi vào tiềm thức mọi người thế hệ chúng tôi, lớp người đã từng trải qua cuộc chiến tranh trường kỳ: Hà Nội - Huế - Sài Gòn.
Huế có niềm tự hào là mảnh đất cố đô với bản sắc văn hóa riêng có của mình, không thèm lẫn với ai. Khi đất nước đổi mới, mở cửa phát triển kinh tế thì Huế lấy ngành du lịch làm trọng, không muốn phát triển công nghiệp vì sợ đánh mất nét văn hóa Huế. Mãi đến khi thấy Đà Nẵng phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa ào ào thì Huế mới giật mình thức tỉnh nhưng đã muộn. Nước mình có đặc điểm chính trị thì phát triển từ Bắc vào Nam nhưng kinh tế thì phát triển theo chiều ngược lại từ Nam ra Bắc. Thời kỳ luồng gió đổi mới thổi mạnh nhất thì miền Trung chưa có hầm đường bộ Hải Vân, đèo Hải Vân trập trùng mây bay đã ngăn trở những dòng đầu tư từ Sài Gòn ra Huế, nó đành đọng lại ở quê hương Đà Nẵng giàu tiềm năng và có những nhà lãnh đạo năng đông như ông Nguyễn Bá Thanh. Huế bỏ lỡ chuyến tàu cơ hội "ngàn năm có một", đành tần ngần đứng ngắm nơi sân ga yên ắng của mình. Huế sau này cũng có mọc ra vài khu công nghiệp nhưng sức hút không được bao nhiêu. Đà Nẵng đã nghiễm nhiên soán ngôi thủ phủ miềm Trung, đã là thành phố trực thuộc trung ương mười mấy năm rồi. Hôm nay Huế mới đang lập dự án lọ mọ chạy để trở thành thành phố trực thuộc trung ương sau cả TP đàn em Cần Thơ, mà chưa biết đến bao giờ mới được.
***Mấy hôm nay ông Thanh lại làm dư luận phải ồn ào nhớ đến ông, sau đận im ắng vì không thấy ông được điều ra Hà Nội làm Phó thủ tướng như tin đồn. Thành phố Đà Nẵng của ông đang đệ trình lên trung ương cho thực thi mô hình "chính quyền đô thị", theo đó thì sẽ đặt ra chức Thị trưởng như thông lệ thế giới, đổi tên Ủy ban nhân dân thành phố thành Ủy ban hành chính thành phố.
Đúng là không hổ danh thành phố năng động sáng tạo nhất Việt Nam. Theo thiển nghĩ của tôi thì trung ương cứ mạnh dạn cho Đà Nẵng thay đổi đi. Mà đã theo tư bản thì theo hẳn một lèo, khỏi nửa chừng nửa đoạn. Đã có chức thị trưởng thì Ủy ban hành chính cũng gọi luôn là Tòa thị chính luôn đi; Hội đồng nhân dân thì cũng nên gọi là Hội đồng thành phố như cả thế giới người ta vẫn gọi cho nó "đồng bộ". Dân ra dân mà quan ra quan. Đừng để "nửa nạc nửa mỡ", khi đòi hỏi cán bộ phải gương mẫu điều gì hơn người bình thường một tí thì ông ta lại bảo "cán bộ cũng là dân". Thị trưởng thì cũng nên để dân người ta bầu ra, bỏ cách cử trước bầu sau như lâu nay vì nó hình thức quá!
***Ở ngoài Hà Nội dạo này thì đang ồn ào hiện tượng ông Đinh La Thăng. Ông này hành xử cũng còn lộ cộ lắm (như là cấm cán bộ chơi gôn, bắt công chức phải đi xe buýt...), nếu không điều chỉnh, về lâu dài chưa chắc ông đã thọ. Nhưng dù ông có phạm quy chăng nữa thì dư luận vẫn rất yêu quý ông Thăng vì ông ấy đem đến một luồng gió mới. Cái chất ông Thăng xem ra giống hệt chất ông Bá Thanh Đà Nẵng. Hai ông làm cho người ta thích thú vì dám thoát ra khỏi cái thể chế phổ thông "núp bóng tập thể ăn tiền", vừa dễ làm lại vừa an toàn. Công thì mình hưởng còn tội đã có tập thể chịu. Lãnh đạo thành ra cứ mờ mờ nhạt nhạt, ông nào cũng giống ông nào.
Đã đến lúc đất nước cần có những chính khách "chịu chơi", có chính kiến, có cá tính rõ ràng, dám làm dám chịu, làm không nổi thì phải từ chức để bảo toàn danh dự. Thế mới đúng!
VĐT
(Bài cũ đăng lại)
(Bài cũ đăng lại)