2.3.14

"Chú lùn" có số đào hoa


Vợ chồng ông Nhàn hạnh phúc bên nhau

Sở hữu thân hình bé nhỏ với chiều cao chưa đầy mét mốt, nhưng ông Hoàng Văn Nhàn (còn gọi là Nhàn “lùn”), ở thôn Lang Thượng, Mỹ Đức, An Lão quả là có số đào hoa hơn người. Thời trai trẻ bôn ba xuôi ngược, ông đã có đến 4 đời vợ. Sau 3 lần đò lỡ dở, giờ đây ông Nhàn đang sống đầm ấm bên người vợ thứ 4 và họ cùng vun đắp mái ấm gia đình hạnh phúc…

Ba cuộc tình chớp nhoáng

Về xã Mỹ Đức, hỏi thăm nhà ông Nhàn “lùn” ở thôn Lang Thượng thì trong làng ngoài xã ai cũng biết tường tận. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi men theo con đường mòn quanh nghĩa trang, tìm đến nhà ông Nhàn. Căn nhà cấp 4 khá khang trang, tổ ấm của người đàn ông lùn “nổi tiếng” ấy hiện ra cuối ngõ. Thấy có khách lạ, ông Nhàn ở trong nhà, cố nhoài người qua cửa sổ đáp lời. Đúng lúc này, bà Đoan, vợ ông đi làm về, mở cổng mời khách. Khi biết ý định viết bài đăng báo, khác với lo ngại ban đầu của chúng tôi, ông Nhàn tươi cười và khá thoải mái tiếp chuyện. Còn bà Đoan có vẻ ngần ngại vì có phần xấu hổ...


Nhấp chén chè xanh, ông Nhàn bắt đầu câu chuyện về cuộc đời và giải thích về thân hình thấp bé của mình. Ông bảo, hai cụ thân sinh ra ông đều cao ráo bình thường và khi sinh được cậu ấm Nhàn, hai cụ cũng từng kỳ vọng nhiều lắm. Khi sinh ra, ông Nhàn phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng ông thường xuyên đau ốm và phải nhập viện. Đến khi tròn 8 tháng tuổi, ông Nhàn bị bệnh nặng, tưởng khó qua khỏi. Cũng từ đấy, cơ thể ông chẳng thể phát triển dài rộng như những đứa trẻ cùng trang lứa. Và khi đã bước vào tuổi trưởng thành, chiều cao của ông Nhàn dừng lại chỉ bằng đứa trẻ 4 tuổi, với 1,06 m, nặng hơn 40kg.

Ông Nhàn vẫn nhớ như in ký ức tuổi thơ của mình. Do mặc cảm với thân hình thấp bé chẳng giống ai, ông cũng ít vui chơi với bạn bè. Nhưng dần dà, ông cũng quen trước những ánh nhìn tò mò, hiếu kỳ của mọi người nên cũng không mấy để tâm. Mặc dù thân mình nhỏ bé, không thể cáng đáng được những công việc nặng, nhưng bù lại ông rất khéo tay. Ông được người cha truyền lại cho nghề vẽ ảnh truyền thần và sửa khóa để mưu sinh. Nhớ lại thời điểm cách đây hơn 20 năm, lúc đó nghề ảnh truyền thần khá đắt khách nên ông Nhàn thường đi khắp các vùng lân cận để tìm kiếm việc làm. Rồi ông mở tạm quán ảnh truyền thần gần chân cầu Nguyệt. Có tay nghề lại cẩn thận nên ông Nhàn lúc nào cũng tất bật với công việc.

Có nghề nghiệp với thu nhập ổn định, mặc dù thân hình "cậu ấm" Nhàn khác người, nhưng cha mẹ vẫn tính chuyện lấy vợ cho con để có cháu đích tôn nối dõi tông đường. Qua họ hàng giới thiệu, ông Nhàn chấp nhận đến với một phụ nữ ở xã bên, cùng hoàn cảnh. Tròn 20 tuổi, ông Nhàn “lùn” cưới người vợ đầu tiên là bà là Ngô Thị Thảo, kém ông 2 tuổi (quê ở xã Thái Sơn, An Lão, Hải Phòng), chiều cao của bà Thảo cũng chỉ được 1,2m. So với thời điểm đó, đám cưới của ông Nhàn cũng rình rang lắm, có cỗ bàn to chẳng kém ai, pháo nổ rền vang…

Ông Nhàn kể về cuộc hôn nhân ngắn ngủi của mình: “Thế nhưng, lấy nhau về, tôi mới biết bà ấy là người khó tính. Tôi chán lắm, lấy vợ về nhưng tôi có ngủ ở nhà đâu, toàn sang nhà hàng xóm ngủ nhờ. Được đúng 1 tuần thì bà ta bỏ về nhà mẹ đẻ, còn tôi vì sĩ diện nên cũng không tìm bà ấy về. Thế là coi như cuộc sống vợ chồng chấm dứt từ đây…”

Cuộc tình thứ nhất ly tan, ông Nhàn “lùn” tiếp tục cưới vợ lần thứ hai. Cũng qua họ hàng giới thiệu, ông quen và lấy bà tên Nguyễn Thị Gái, sinh 1955, người cùng huyện. Mặc dù không được xinh xắn như những cô gái khác, nhưng bà Gái có chiều cao của một người bình thường và tính tình hiền lành, chăm chỉ làm ăn. “Lần thứ hai tôi vẫn cưới hỏi đàng hoàng nhưng không đăng ký. Tính cả thời gian đi đi, về về giữa nhà nội, nhà ngoại, chúng tôi cũng sống với nhau được khoảng một năm. Khi tôi cưới bà này, bà ta đã có một người con riêng rồi. Cuối cùng tôi vẫn bỏ vì bà này hay bỏ về nhà ngoại, cứ như thế, tôi chán quá nên cũng thôi. Chúng tôi cũng chưa có con với nhau nên tình cảm không quá sâu đậm. Sau này tôi nghe người ta nói, bà ta bỏ sang tận Trung Quốc lấy chồng, trải qua những 4 đời chồng rồi đấy” - ông Nhàn “lùn” tủm tỉm cười.

Khi người vợ thứ 2 bỏ đi biệt, ông Nhàn bắt đầu cuộc tình với người đàn bà thứ 3. Cuộc tình ấy được vun vén với người đàn bà tên Bùi Thị Đông, sinh 1954, ở An Tràng, An Lão. Bà vợ thứ 3 này cũng cao ráo bình thường. Ở với nhau được một thời gian, hai vợ chồng ông Nhàn “lùn” sinh hạ được một cô con gái. Năm nay, người con gái ấy đã 36 tuổi nhưng cũng chỉ cao 1,2m. “Sống với bà Đông được khoảng 2 năm nhưng do bà ấy cứ đi về nhà ngoại rồi lại về sống với tôi, tức quá tôi đuổi bà ấy đi. Đứa con gái tôi đón về nuôi, hiện cháu nó ở cùng bà nội. Nghe đâu bà Đông lấy chồng khác rồi, từ đó đến nay tôi cũng không có tin tức gì về bà ấy nữa…”.

Hạnh phúc bên bà vợ thứ 4

Người đàn bà thứ tư tên Phạm Thị Đoái, sinh 1957, người cùng huyện An Lão, đã cùng ông chia sẻ buồn vui trong suốt 28 năm qua. Nghe chồng nhắc đến tên mình, bà Đoái nhoẻn miệng cười gượng gạo vì xấu hổ. Ông Nhàn “lùn” nhìn vợ đầy hạnh phúc và giới thiệu: “Bà nhà tôi là người cao ráo, những mét sáu cơ mà. Bà ấy về sống cùng tôi, chả được cưới hỏi như những người trước vì hai bên gia đình nội ngoại đều phản đối. Thế mà chúng tôi sống đầm ấm và rất hạnh phúc, ít khi to tiếng với nhau".


Ông Nhàn và bà Đoái

Ông nhìn vợ với ánh mắt yêu thương và kể lại mối tình với bà. 28 năm về trước, bà Đoái làm nghề chài lưới trên sông, thường hay neo đậu dưới chân cầu Nguyệt. Một lần đi kéo lưới gặp trời rét, bà Đoái lên bờ rít điếu thuốc lào cho ấm thì gặp ông Nhàn. Họ quen nhau trong cái sự tình cờ ấy. Sau lần đó, bà Đoái thỉnh thoảng lại ghé quán của ông Nhàn để ngắm những bức ảnh truyền thần và tâm sự buồn vui trong cuộc sống. Thời điểm ấy, bà Đoái từng lỡ dở một đời chồng và có con riêng. Một ngày, ông Nhàn “lùn” liều mình trèo lên thuyền của bà Đoái và thẳng thắn hỏi: “Em có lấy anh không?”. Tôi quay sang bắt chuyện với bà Đoái, đề nghị bà xác nhận lời kể của ông Nhàn “lùn”. Bà Đoái cười cười bảo: “Tôi nhìn thân hình ông ấy thế kia, thương ông ấy phần nhiều thì tôi lấy thôi, chứ người đàn bà nào chịu lấy chồng như ông này…”.

Và cũng chính tình thương ấy khiến bà Đoái bất chấp tất cả, bỏ qua cả những phản đối quyết liệt của bố mẹ, họ hàng và những lời đàm tếu của thiên hạ để chung sống với ông Nhàn “lùn". Có lần bà Đoái còn bị cha, mẹ đánh sưng mày, tím mặt chỉ vì bà lấy người chồng lùn khác người.

Ông Nhàn còn nhớ như in cái lần cùng vợ về quê ngoại, khi đi qua một con mương nhỏ, bà Đoái phải cõng chồng qua mương, bởi mực nước khi ấy cao đến ngực chồng. Hình ảnh cõng chồng của bà Đoái đã trở thành đề tài châm biếm của không ít người dân vùng quê: “Chồng lùn mà lấy vợ cao. Như đôi đũa lệch so sao cho vừa…”. Nhiều kẻ dè bỉu, chê bai, rằng thiếu gì đàn ông sao phải đi lấy lão lùn. Lúc đó bà Đoái cười và bảo rằng: “Tôi đi khắp Hải Phòng mới tìm được ông ấy là người duy nhất đấy!”. Và bà đã sống trọn nghĩa, vẹn tình đầy trách nhiệm với người chồng lùn mà bà đã chọn ấy…

Để lo cho tổ ấm nhỏ, ông Nhàn vẫn đi truyền ảnh, còn bà thì kéo lưới kiếm con tôm, con cá kiếm kế sinh nhai. Họ sống đầm ấm, lần lượt sinh hai người con, một trai, một gái. Nhưng số phận vẫn đeo đuổi cuộc đời ông, bởi hai người con sinh ra đều mang gen di truyền của cha, có chiều cao chưa quá 1,2m. Hiện người con gái đã lấy chồng, nhưng rồi lại lỡ dở, hai mẹ con phải bấu víu vào ông bà ngoại. Người con trai cũng đã lấy vợ, sinh con trai. Vì cuộc mưu sinh, vợ chồng người con trai phải gửi lại con cho ông Nhàn “lùn” chăm sóc, rồi vào Sài Gòn để kiếm sống.

Giờ thì bà Đoái không còn theo nghề chài lưới nơi sông nước nữa, còn ông Nhàn tuổi cao, mắt kém lại mắc bệnh tim nên cũng chẳng làm được việc gì. Ông bà chỉ loanh quanh việc đồng áng với mấy sào ruộng và chăm sóc bọn trẻ cho các con đi làm ăn xa. Gần 30 năm qua, sau ngày gá nghĩa vợ chồng ấy, ông Nhàn lùn vẫn sống đầm ấm và cùng người vợ hiền và cùng vun vén cho mái ấm gia đình hạnh phúc. Ông Nhàn cười hạnh phúc và bảo cuộc đời ông may mắn với được người vợ tốt bụng, giàu tình thương và trách nhiệm như bà ấy…

Hồng Hải, ANHP