Một ngày là vợ chồng thì nghĩa tình trăm năm
Gần 40 năm ông nằm liệt cũng là từng ấy năm bà vất vả một mình tần tảo sớm hôm chăm sóc chồng. Hi sinh cả tuổi xuân và thiên chức được làm mẹ nhưng bà không hề “oán ông giời” lấy nửa câu. Câu chuyện tình như trong cổ tích ấy hiện hữu giữa đời thường trong căn nhà nhỏ luôn ngập tràn tiếng cười của ông Lê Minh San (sinh năm 1947) và bà Đặng Thị Loan, ở khu Đẩu Sơn 2, phường Văn Đẩu, quận Kiến An…
Nỗi đau thời hậu chiến
Sinh ra trong một gia đình nghèo có bốn anh chị em, là con út nên ông San được ưu tiên ở nhà chăm sóc bố mẹ già nhưng ông kiên quyết nhập ngũ và còn dọa sẽ trốn đi nếu mọi người phản đối. Khuyên can không được, mẹ ông đành thỏa hiệp. Hai lần khám sức khỏe ông đều không đủ tiêu chuẩn về cân nặng nhưng vẫn quyết tâm ra mặt trận để “thỏa chí tang bồng”.
Năm 1967, chàng thanh niên 21 tuổi ấy được nhập ngũ, vào Nam chiến đấu, đóng quân ở đơn vị C21 - D221, Trung đoàn 220, Quân khu 5. Lăn lộn ngoài chiến trường, nhiều lần bị thương nhưng vẫn không làm giảm nhuệ khí đánh giặc của anh lính trẻ. Ông từng bị trúng đạn xuyên qua đùi trái, pháo cối sượt qua trán nhưng chỉ cần vết thương “ngậm miệng” là ông lại cầm súng ra trận.
Đời lính của ông San có lẽ cứ thế trôi trong vòng tuần hoàn: đánh trận - bị thương - đánh trận cho đến ngày hòa bình nếu như ông không bị thương nặng trong một lần đi tải hàng. Cuối năm 1976, ông làm trợ lí quân nhu cho đơn vị. Trong một lần chở nhu yếu phẩm lên cho bộ đội ở Tây Ninh, xe của ông bị trúng mìn còn sót lại sau chiến tranh, lái xe chết tại chỗ, ông bị hôn mê hàng tuần sau mới tỉnh. Sau đó, ông được chuyển về Bệnh viện 108 chữa trị.
Tại đây, ông được biết mình bị thương tật 100%, liệt nửa người. Ban đầu khi mới biết chuyện, ông rất chán nản, “thèm” được đi lại như người bình thường. Nằm mãi trên giường bệnh, người lở loét, ông chỉ muốn chết đi cho “nhẹ nợ”. Mặc cảm với suy nghĩ mình không sống được bao lâu, không muốn là gánh nặng nên ông không báo tin cho gia đình biết, đặc biệt là cô vợ trẻ đang mong ngóng tin chồng. Nhưng chính vị bác sĩ trưởng khoa tốt bụng đã viết thư thông báo tình hình của ông cho gia đình.
Trong vòng 2 năm điều trị phục hồi chức năng, bao lần ông phải chịu những cơn đau khủng khiếp hành hạ. Với khao khát được đi lại bình thường cùng sự động viên của bác sĩ và gia đình, ông nỗ lực tập đi không ngừng. Nhưng “trời không chiều lòng người”, dù cố gắng bao nhiêu ông vẫn không thắng nổi số kiếp nghiệt ngã, phải nằm liệt một chỗ, “ước mơ” được đi trên đôi chân hoàn toàn khép lại. Nằm trên giường bệnh, ông ghen tị với những người “có chân”. “Người ta đến thăm tôi, chân thành nói với tôi rằng với tình trạng hiện tại chắc tôi chỉ sống được vài năm nữa thôi”, ông buồn bã chia sẻ.
Tuy nhiên người ta càng khuyên nhủ “chân thành” bao nhiêu thì ông càng quyết tâm sống bấy nhiêu. Nhờ sự lạc quan và sự chăm sóc tận tâm của bà Loan (vợ ông), đến nay ông đã lấy lại được niềm vui trong cuộc sống. Cứ mỗi buổi chiều hàng ngày, ông được vợ bế lên xe lăn, rồi tự mình lăn xe sang hàng xóm chuyện trò.
“…Đến với nhau như một định mệnh”
Đó là lời tâm sự của bà Loan về mối lương duyên đẹp như chuyện cổ tích của hai người. Ông San và bà Loan quen nhau, tìm hiểu và lấy nhau chỉ vỏn vẹn trong vòng một tháng. Trong một lần nghỉ phép về thăm nhà, ông San được người quen mai mối cho tìm hiểu cô thôn nữ xinh xắn, nết na Đặng Thị Loan ở An Lão. Gặp nhau, hai người như trúng “tiếng sét ái tình”. Mặc dù có nhiều người theo đuổi nhưng cô thiếu nữ ấy chỉ cảm mến và si tình anh bộ đội hiền lành, chất phác Minh San. Hai người nhanh chóng tổ chức đám cưới để ông trở về đơn vị. Bỏ lại người vợ trẻ trung, xinh đẹp chưa kịp nếm trải mật ngọt hạnh phúc, ông San đi chiến đấu biền biệt cho đến ngày bị thương phải xuất ngũ.
Nhận được thư của bệnh viện thông báo tình hình của chồng, bà Loan bàng hoàng, đau đớn trước tin dữ. Sau khi bình tĩnh lại, bà tự an ủi: “Chỉ cần ông còn sống trở về là đã may mắn lắm rồi”. Ngày vợ chồng ông đoàn tụ cũng là ngày bà chứng kiến cảnh chồng mình nằm trên giường bệnh, băng trắng toàn thân, xót xa đến ứa nước mắt. Thời gian ông nằm viện điều trị, bà không được tự tay chăm sóc ông, tất cả đều do y tá, hộ lí làm. Mãi cho đến năm 1982, ông xin chuyển về nhà điều dưỡng, bà mới được hưởng niềm vui, hạnh phúc của một gia đình có vợ có chồng thực thụ.
Những tưởng được ở bên gần gũi, chăm sóc chồng, bà cảm nhận được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, nhưng từ khi bị thương, ông trở nên “trái tính trái nết” suốt ngày cáu gắt, nóng tính. Dù là việc nhỏ nhưng không vừa ý ông cũng nổi khùng, mắng mỏ vợ, khi bực bội thì đến con gà ông cũng thấy “tức” mắt. Có thời gian, bà không dám để bất cứ đồ vật gì cạnh chồng vì sợ ông ném hỏng, vừa nguy hiểm lại vừa tốn kém sắm lại. Nhiều đêm bà tủi thân khóc thầm vì: “Bạn bè đứa nào cũng có chồng khỏe mạnh, là trụ cột trong gia đình, còn mình thì “phận mỏng”…” nhưng chỉ đến sáng hôm sau, khi nước mắt đã khô, bà lại lao mình vào cuộc mưu sinh vì gia đình.
Thương vợ, nhiều lần ông San động viên bà lập gia đình mới, “chứ sống với tôi vừa khổ lại vừa hiu quạnh, không con cái. Sau này già thì lấy ai mà nhờ cậy. Khuyên giải mãi không được, nhiều lúc ông nổi “khùng” để mong bà chán nản bỏ ông mà đi. Những lúc ấy bà giận thật, nhưng giận rồi lại thương, không nỡ bỏ. Bà Loan tâm sự: “Vợ chồng là duyên trời định. Một ngày là vợ chồng thì nghĩa tình trăm năm. Sống với nhau vì nghĩa vì tình, huống hồ ông ấy hi sinh cả tuổi xuân, sức khỏe vì tổ quốc. Một người đáng quý như thế thì phải trân trọng, yêu thương nhiều hơn”.
Hạnh phúc đời thường giản dị
Lấy chồng từ khi còn rất trẻ nhưng thời gian bà Loan được nếm trải hạnh phúc chưa tròn một tháng. Cả tuổi xuân của bà là chờ đợi mòn mỏi và chăm sóc người chồng tật nguyền nên bà được nhiều người “quan tâm” khuyên bảo. Có người còn “mạnh miệng” buông lời tán tỉnh: “Chồng như thế thì bỏ đi theo anh” hay “đi mà “tằng tịu” kiếm một đứa con về nuôi, chứ trông mong gì ở chồng”… Những lúc như thế, bà Loan chỉ biết cười trừ.
Thế rồi năm 1979, bé Lê Trường Minh xuất hiện như để thỏa lòng khao khát có con của ông bà. Thấy bé Minh mồ côi cả cha lẫn mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng trong bà trỗi dậy, bà nhận nuôi mặc dù lúc này ông bà “còn nghèo lắm, phải ở trong căn nhà lợp rạ từ thời các cụ để lại”. Khó khăn nhân lên gấp bội khi bà vừa phải chăm chồng lại chăm con nhỏ. Bà đi làm thuê đủ nghề: làm ruộng, cấy thuê, mò cua bắt ốc…, đầu tắt mặt tối. Có những đêm “trái gió trở trời”, bà phải thức cả đêm đấm lưng xoa bóp cho ông bớt đau. Có những hôm bà phải bỏ cả con nhỏ ở nhà để đưa chồng đi cấp cứu.
Trời không phụ lòng người, đứa bé ấy giờ đã trưởng thành, biết yêu thương và rất có hiếu với bố mẹ nuôi. Anh đã lập gia đình riêng, con cái ngoan ngoãn, quý mến ông bà. Anh Minh tâm sự: “Mình là con nuôi nhưng được ông bà yêu thương hơn cả con đẻ. Nhiều lúc đau đớn, ông cáu gắt đuổi mình và mẹ đi. Lúc ấy hai mẹ con chỉ biết nhìn nhau cười vì biết tính cụ. Giờ có gia đình riêng mình mới thấm thía công ơn dưỡng dục của hai người. Mình xây nhà gần đây để tận hiếu với 2 cụ cho trọn đạo làm con”.
Nhìn bà tận tụy chăm ông trong ngôi nhà tình nghĩa nhỏ được xây cất cách đây hơn 20 năm khiến mọi người không khỏi cảm động. Ông chia sẻ: “Mỗi khi trời mưa nước tràn vào nhà hay trời nồm thấp, tường chảy nước như ngoài trời, chật chội khổ sở vô cùng. Tôi ao ước đến cuối đời có căn nhà khang trang, cao ráo hơn để sống nốt những ngày cuối đời”. Nhìn ông nói chuyện, bà chỉ cười hiền, vì với bà “chỉ cần được sống quây quần bên ông và con cháu là tôi đã mãn nguyện lắm rồi”.
Ông Vũ Đức Phường - Chủ tịch UBND phường Văn Đẩu cho biết: “Ông San thuộc diện thương binh nặng của phường. Vợ chồng ông luôn sống hòa thuận, ai cũng yêu mến và khâm phục sự hi sinh vì chồng vì con của bà Loan. Chúng tôi cũng thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình và luôn quan tâm chu đáo tới gia đình ông trong chế độ chính sách dành cho thương binh của nhà nước một cách đầy đủ. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng giúp đỡ trong khả năng để ông được sửa sang lại nhà cửa khang trang hơn”.