Vũ Đức Tâm, Ad
Cho đến nay, có 40.000 quan chức đã bị kỷ luật, 10.000 quan chức khác đã bị cách chức và chính quyền thu hồi được 65 tỷ Mỹ kim.
Đó là con số mà đài Anh BBC đưa trong bản tin trên internet nói về thành tựu chống tham nhũng của Trung Quốc do ông Tập Cận Bình cầm trịch.
Ở Trung Quốc, giống như Việt Nam, tham nhũng hoành hành với quy mô, số tiền còn lớn hơn. Tệ tham nhũng là nguy cơ có thể đẩy chế độ Trung Quốc đến chỗ khủng hoảng niềm tin của dân chúng và đứng trước nguy cơ sụp đổ. Do đó, đảng cộng sản Trung Quốc đã lựa chọn Tập Cận Bình, giao cho ông sứ mạng diệt trừ tham nhũng để cứu đảng. Và với phương châm, diệt cả hổ lẫn ruồi, quả thực ông Tập Cận Bình đã không phụ lòng tin của đảng ông. Những con số trên nói lên điều đó. Sau cú ngã ngựa của cựu ủy viên Bộ chính trị Bạc Hy Lai thì nhân vật trùm an ninh và nhà tài phiệt dầu mỏ khét tiếng một thời của Trung Quốc Chu Vĩnh Khang cũng đang bị sờ gáy.
Còn ở Việt Nam thì tình hình có vẻ không được như vậy. Công cuộc chống tham nhũng như đang đi vào khúc quanh né tránh thì phải.
Người ta ca ngợi hết lời bản lĩnh và thành quả chống tham nhũng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phải. Dám làm và làm được như ông đâu phải đơn giản.
Nhưng nghĩ khác thì lại thấy một vấn đề đau lòng hiện ra: tù tội và giết chóc nhiều quá! Thể chế có tàn nhẫn quá không khi vô hình trung đẩy hàng chục nghìn công chức của mình vào hoạn nạn? Thể chế mà có quá nhiều rủi ro cho quan chức như vậy đã chắc gì hay?
Mới thấy phương châm của ông Lý Quang Diệu ở Singapore mới tuyệt diệu biết bao: Làm sao cho người ta không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng...