34 năm “giam” mình trên chiếc giường hơn 2m2, Nguyễn Thị Hòa ở thôn 5 Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, chưa một ngày được cắp sách tới trường. Nhưng cô gái tật nguyền này đã làm nên điều kì diệu khi có thể tự mình đọc sách, báo… như một người được đi học bình thường. Hơn thế, cô còn viết văn, làm thơ. Câu chuyện ngỡ như cổ tích của cô là tấm gương khích lệ những người gặp bất hạnh nhưng luôn mang trong mình niềm khát khao cháy bỏng vươn lên…
Hành trình tìm kiếm con chữ
Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1980, là con cả trong một gia đình nông dân nghèo. Khác với những đứa trẻ bình thường, từ nhỏ cơ thể Hòa đã yếu ớt, chân tay teo lại không phát triển. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô không được khám chữa kịp thời để tìm ra nguyên nhân nên dần dần bị liệt vĩnh viễn. Năm nay đã ngoài 30 tuổi nhưng Hòa chỉ bé như một đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi: cao 70cm và nặng 12kg. Cô không ngồi được, cũng không đi lại được. Cuộc sống của cô chỉ diễn ra trên chiếc giường. Từ khi sinh ra cho đến lúc nhận thức được, thế giới của cô chỉ thu gọn trong không gian chật hẹp ấy. “Biết thân biết phận”, cô bé Hòa tự ti thu mình vào “vỏ ốc” đơn độc, khép mình với mọi người. Mỗi khi nhà có khách, Hòa thường trốn trong chăn, ai gợi chuyện cũng đều câm lặng.
Hằng ngày, nằm trong nhà nhìn chúng bạn chơi đùa, Hòa cũng thầm ước ao mình được tung tăng nô đùa như các bạn. Lớn hơn một chút, nhìn bạn bè ngày ngày cắp sách tới trường, cô bé Hòa lại càng thấy tủi thân. Cô ao ước biết bao được cắp sách tới trường bằng chính đôi chân của mình. Dù biết ước mơ đó không thể thành nhưng khát khao được tới trường, tới lớp, khát khao được học cái chữ và khát khao trở thành người có ích để san sẻ một phần vất vả cho cha mẹ vẫn luôn cháy trong tim Hòa. Hòa đã tự tìm cách để mình "được đi, được chạy" như chúng bạn. Và cái cách mà Hòa "muốn đi, muốn chạy" ấy chính là con đường học, con đường đến với nguồn tri thức.
Lúc Hòa bày tỏ ý muốn của mình với bố mẹ, cả hai người đều ngạc nhiên vì họ cho rằng “tật nguyền như Hòa thì cần gì phải biết chữ, huống chi là học cao, hiểu rộng”. Bà Đào Thị Huận (mẹ Hòa) cho biết: “Lúc ấy, việc nuôi hai em trai của Hòa ăn học cũng đã là một gánh nặng lớn đối với gia đình. Nếu cho Hòa đi học nữa thì chúng tôi không biết xoay xở ra sao. Mà cháu lại ốm yếu như thế thì không chắc theo kịp các bạn cùng lớp…”. Vậy là ước mơ đi học của cô bé Hòa đành phải tạm gác lại. Mỗi buổi tối, Hòa được em trai dạy cho ít chữ học được ở trường, nhưng kết quả đem lại rất ít ỏi.
Hòa bắt đầu quen dần với thực tế mình là kẻ mù chữ cho đến năm 19 tuổi, một điều kì diệu đã xảy đến với cô. Sau trận ốm thập tử nhất sinh kéo dài hàng tháng trời, Hòa nhận thấy việc tiếp thu mặt chữ của mình tăng lên nhanh chóng, chẳng bao lâu, cô có thể đọc thành thạo sách, báo... Cứ ngỡ rằng nằm mơ giữa ban ngày, Hòa thường xuyên nhờ người đi thuê sách, truyện cũ về đọc. Cô vỡ òa trong niềm vui sướng và thức trắng bao đêm để đọc sách. Cô đọc ngấu nghiến, ham mê từng quyển, từng quyển như để thỏa cơn “khát chữ” bao nhiêu năm qua. Biết đọc thôi chưa đủ, Hòa còn cố gắng tập viết chữ. Để viết được một dòng chữ cô phải mất nhiều thời gian hơn người khác gấp 2-3 lần. Nhìn cô vất vả kê đầu lên hộp cao, dùng đôi tay yếu ớt nắn nót viết từng chữ như trẻ con tập viết mới thấy sự nỗ lực to lớn của cô gái bé nhỏ này.
Thấy con ham học, lại tự học để biết đọc, biết viết, bố mẹ Hòa dần thay đổi quan niệm và bắt đầu quan tâm hơn đến cô. Họ mua sách cho Hòa tự học. Đến nay cô đã tự mình học xong chương trình lớp 5. Hàng tháng, cô dùng toàn bộ số tiền trợ cấp khuyết tật của mình mua sách bởi với cô, sách là món ăn tinh thần không thể thiếu.
Giấc mộng văn chương
Đọc sách nhiều, Hòa cảm thấy mình như dần được hồi sinh, càng ý thức được mình không phải là kẻ “bỏ đi”. Cô tập sáng tác thơ, viết truyện vì muốn thổi hồn vào những con chữ vô tri vô giác những tâm sự, nỗi niềm của lòng mình. Những sáng tác của cô tuy còn non nớt về câu, chữ nhưng lại là những cảm xúc chân thành, tự nhiên nhất của một tâm hồn đa sầu, đa cảm. Cô viết về cuộc sống hàng ngày của mình với những suy nghĩ, trăn trở về kiếp “ăn bám” đầy cay đắng, về thái độ của mọi người đối với mình nhưng vượt lên trên tất cả là khao khát được yêu thương, được nhìn nhận như một con người bình thường.
Nét bút trẻ con nắn nót trong tự truyện “Một ngày của nó”
Trong tự truyện “Một ngày của nó”, Hòa bộc bạch nỗi niềm cô đơn, xót xa của một tâm hồn yếu đuối bị bỏ rơi giữa cuộc sống bộn bề: “…Còn nó lúc đó bắt đầu đi chơi. Nói là đi chơi cho oai thôi chứ thật ra nó cũng chỉ lang thang trên mạng. Từ khi nó được sinh ra đến giờ, đã bước sang tuổi ba mấy rồi nhưng chưa bao giờ những người thân xung quanh nó có vẻ yêu thương nó cả… Nó chỉ vui với cái điện thoại mà thôi. Dường như điện thoại cũng vui khi nó vui, cũng buồn khi thấy nó buồn. Nếu nó vui thì nó mở máy ra để chơi còn nếu nó buồn thì dường như điện thoại cũng nằm im lắng nghe giọt nước mắt chảy xuống đôi má gầy…”.
Hòa tâm sự cô đã từng được một người con trai cùng làng đem lòng yêu mến. Nhưng tình yêu của họ dù rất đẹp cũng không vượt qua nổi rào cản gia đình, dư luận xã hội. Hiện giờ, anh đã có cuộc sống riêng, còn cô vẫn mang trong mình nỗi đau của kẻ bị bỏ rơi. Và truyện ngắn “Bước chân” chính là hồi ức của cô về mối tình đẹp này: “Hôm nay nhà người ta đón dâu. Đoàn rước dâu đi ngang qua ngõ, nó vô tình nhìn thấy khiến nó rất buồn. Sao nó lại không buồn khi mà chú rể là người nó yêu suốt 8 năm. Trong suốt thời gian yêu nhau, nó và người yêu chưa từng cãi nhau hoặc xa nhau bao giờ. Nó là người khuyết tật, còn anh là người bình thường… Nếu gia đình anh không miệt thị những người như nó thì nó và anh đâu phải chịu cảnh kẻ cười người khóc…
Anh đã từng thề sẽ mãi mãi yêu thương, chăm sóc nó cho dù nó không xinh đẹp, không được đi học hay không được bay nhảy ngoài xã hội nhưng nó lại có một tấm lòng trong sáng. “Hôm nay anh đi hỏi vợ phải không? Chắc cô ấy xinh đẹp lắm chứ không như em đâu anh nhỉ? Và cô ấy chắc cũng được học hành đàng hoàng phải không anh? Không như em suốt đời là một đứa con gái xấu xí bị mọi người coi là quái thai dị dạng”. Rồi nó dùng hết sức mình đẩy chiếc xe lăn nặng nhọc vào nhà, mặc cho anh đứng đó với nỗi đau. Anh lặng lẽ bước đi trong cơn mưa nặng hạt bất chợt ào đến…”.
Không chỉ viết truyện, Hòa còn có tài làm thơ. Những vần thơ của cô mộc mạc, giản dị nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm mạnh mẽ: “Cuộc đời có những giấc mơ/Thế gian có những bài thơ không lời/Nhiều lúc tôi muốn buông xuôi/Mặc cho sóng biển đưa tôi theo dòng/Thuyền kia chẳng có ai mong/Như tôi cứ mãi long đong một đời/Ngày cười cho bớt đau thôi/Đêm về ôm gối ngậm ngùi xót xa/Thương người người chẳng nhớ ta/Hóa ra chỉ có mình ta nhớ người” hay như: “Em sinh ra đâu phải là cái tội/Mà sao mọi người cứ đổ lỗi cho em/Thế gian này đâu chỉ riêng em/Mang trong mình hình hài như vậy/Vì chiến tranh gieo chất độc da cam/Mong mọi người và cả thế gian/Hãy thương em như thương chính họ”.
Có lẽ cuộc sống còn nhiều khó khăn và thử thách hơn nữa đối với Hòa. Và con đường sáng tác văn học trong tương lai của Hòa còn rất nhiều chông gai. Nhưng với sự lạc quan và tinh thần ham học hỏi, hi vọng tương lai tươi sáng sẽ mở ra với cô gái tật nguyền mang hình hài đứa trẻ này. Và mong rằng sẽ xuất hiện một người tốt đem lòng yêu thương, muốn mang lại hạnh phúc cho Hòa.