Một hình ảnh tĩnh từ video cảnh hành quyết nhà báo James Foley. Ảnh: Standard
|
Video quay cảnh nhà báo Foley bị phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu xuất hiện hôm 19/8 và nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội cũng như các hãng tin trên thế giới.
Theo Guardian, sáng 20/8, nhiều tờ báo tránh đăng video nhưng sử dụng các hình ảnh tĩnh chụp từ màn hình để đưa lên trang nhất của mình. Julian Clarke, giám đốc News Corp Australia, một trong những công ty truyền thông lớn nhất nước này, đưa ra những lý lẽ bảo vệ cho việc đăng tải các hình ảnh man rợ.
"Đây là điều khủng khiếp nhất đang xảy ra ở thế giới của chúng ta và việc che giấu sự thật dã man này tôi cho rằng không mang lại lợi ích cho ai cả", ông nói. Ông Clarke thêm rằng việc cho các độc giả đang sống trong một nền dân chủ chứng kiến "sự tương phản hoàn toàn" này là rất quan trọng.
Trong một bài phát biểu quan trọng tại hội thảo vừa diễn ra ở Sydney, Bộ trưởng Truyền thông Australia Malcolm Turnbull cũng kêu gọi ngành công nghiệp báo chí phản ánh vụ sát hại tàn bạo Foley và cái giá đắt mà nhiều nhà báo phải trả để cung cấp thông tin cho mọi người cũng như đảm bảo sự dân chủ của các quốc gia.
"Báo chí và các nhà báo đang ở trên mặt trận chiến đấu vì dân chủ", ông nói. "Tôi lên án những kẻ sát hại James Foley, tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình anh và bày tỏ sự ủng hộ của chính phủ với tất cả các nhà báo".
Báo Australia The Age là một trong những tờ đăng tải hình ảnh Foley trong video lên trang nhất. Tại Mỹ, New York Post và New York Daily News nằm trong số những tờ báo sử dụng các hình ảnh tương tự. New York Post thậm chí đăng tải khoảnh khắc tên phiến quân dí dao vào cổ Foley trên trang nhất của mình khiến độc giả phản ứng dữ dội.
Trong khi đó, những hãng tin khác như CNN đưa ra những tiêu chí rõ ràng trong việc chia sẻ video trên. Hãng này cho biết cái chết của Foley là một sự kiện lớn và hãng quyết định đăng những bức ảnh tác nghiệp của nhà báo này cũng như phần âm thanh của video vì nó chứa những manh mối về kẻ hạ thủ anh.
Tuy nhiên, giám đốc Fairfax Media, ông Greg Hywood, không ủng hộ hành động trên và cho biết đăng hay không đăng phụ thuộc vào quyết định của ban biên tập các tờ báo.
Mạng xã hội Twitter đang tiến hành chiến dịch kêu gọi các thành viên không xem hoặc chia sẻ video với từ khóa #ISISmediablackout, trong khi Youtube tuyên bố xóa sổ nó trên trang này đồng thời đóng tất cả những tài khoản liên quan đến các tổ chức khủng bố.
James Foley ở Syria. Ảnh: Mirror
Hàng nghìn người, trong đó những người nổi tiếng và hàng chục đồng nghiệp của Foley, đã lên mạng xã hội để kêu gọi mọi người không quảng bá cho IS. Gia đình nhà báo cũng đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết tương tự và hy vọng mọi người tưởng nhớ Foley qua những bức ảnh tác nghiệp của anh.
Cảnh sát Anh cảnh báo việc xem, tải hoặc tuyên truyền video này có thể cấu thành hành vi phạm tội theo luật chống khủng bố.
Alan Sunderland, giám đốc chính sách biên tập của hãng tin ABC Australia, ủng hộ việc hạn chế sử dụng các hình ảnh, video hoặc âm thanh từ video xử tử Foley.
"Luôn cần thiết phải cân bằng giữa lợi ích chung với sự riêng tư của những người liên quan khi hé lộ những sự thật đáng lo ngại đang xảy ra trên thế giới", ông nói.
Anh Ngọc