24.8.14

Lớp học vẽ đặc biệt của người họa sỹ già

Vũ Minh Hương, Ad
...
Họa sĩ La Viết Sinh ngồi sửa bài cho học sinh sau giờ học vẽ
Cả cuộc đời cống hiến vì nghệ thuật, đến cuối đời họa sĩ La Viết Sinh (địa chỉ 54/60 Lương Khánh Thiện) vẫn tiếp tục hăng say cống hiến. Ông đã mở lớp học vẽ cho những em nhỏ khiếm thính nhưng có năng khiếu hội họa để giúp các em phát triển khả năng của mình. Một lớp học đặc biệt không tiếng nói cười, tiếng giảng bài mà chỉ có tiếng bút vẽ “nhảy nhót” trên giấy, tiếng trao đổi qua lại lặng thầm bằng tay, bầu không khí lao động nghệ thuật nghiêm túc giữa người thầy lặng lẽ truyền đạt và sự say mê học hỏi của những con người khiếm khuyết về cơ thể nhưng có tâm hồn yêu nghệ thuật…
Cuộc đời tôi gắn với nghệ thuật…
Đó là khẳng định của họa sĩ La Viết Sinh khi nói về quãng đời gần 40 năm hoạt động nghệ thuật của mình. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật: có cha, chị gái, em gái dạy mỹ thuật, ông được định hướng theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp và Trường đại học Sân khấu điện ảnh. Ra trường năm 1967, chàng thanh niên trẻ tuổi La Viết Sinh quyết định theo đuổi con đường nghệ thuật. Ông là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập đoàn múa rối Hải Phòng. Với sức sáng tạo phong phú và lòng đam mê môn nghệ thuật dân tộc, ông đã thiết kế, tạo hình sân khấu thành công cho hàng trăm vở diễn, đưa tên tuổi đoàn múa rối Hải Phòng trở thành một thương hiệu được nhiều khán giả trong và ngoài nước yêu mến.

Suốt mấy chục năm làm ở đoàn múa rối, ông cùng các bạn đồng nghiệp dàn dựng nhiều tiết mục đạt giải cao trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc như: vở Huyền thoại họa mi, Thỏ trắng mưu trí đạt HCV trang trí tạo hình; vở Vua Hùng kén rể, Aniônka đạt HCB. Đặc biệt phải kể tới vở “Trê cóc tranh con” với tạo hình sân khấu 3 tầng lần đầu tiên có ở Việt Nam: tầng nước diễn tả gia đình nhà trê, tầng đất diễn tả gia đình nhà cóc, con người mà đại diện là thầy xử kiện. Vở diễn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả yêu nghệ thuật, đặc biệt là các khán giả nhỏ vô cùng thích thú trước màn múa rối đặc sắc này.
Ông còn sử dụng tài hội họa của mình để phác thảo ra những con rối hình thù ngộ nghĩnh, sinh động làm đạo cụ biểu diễn và thường xuyên được mời đi dàn dựng sân khấu cho các vở diễn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình…
Không chỉ có tài dàn dựng sân khấu, La Viết Sinh còn được biết đến như một người họa sĩ có tài, sáng tác thành công về đất và người Hải Phòng. Các tác phẩm của ông luôn phác họa con người đất Cảng một cách chân thực, mạnh mẽ và giàu sức sống nhất, trong đó phải kể đến: Đóng tàu - sơn dầu, Bến sông quê - lụa, Chiến thắng Bạch Đằng - sơn dầu, các bức tranh về phong cảnh và con người Thủy Nguyên… được trưng bày tại nhiều bảo tàng lớn: bảo tàng Mỹ thuật, bảo tàng Công nghiệp đóng tàu… và được giới phê bình cũng như khán giả đánh giá cao ở mỗi lần triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng của hội Mỹ thuật Việt Nam.
Ông tâm sự: “Bà xã là người ủng hộ tôi rất nhiều trong sáng tác. Ngày xưa, khi đoàn múa rối còn gặp nhiều khó khăn, bà ấy luôn cố gắng vun vén công việc gia đình chu toàn để tôi toàn tâm toàn ý với nghệ thuật. Bà không “ghen” khi thấy chồng yêu nghề hơn yêu mình mà bà ấy cũng chính là “nàng thơ” tạo cho tôi nhiều cảm hứng sáng tác. Dù chỉ là một người thợ dệt bình thường nhưng tôi rất tin tưởng vào góp ý của bà mỗi khi hoàn thành xong một tác phẩm”.
Với những đóng góp hết mình vì nghệ thuật, năm 1993, ông được trao tặng danh hiệu NSƯT ngành Trang trí sân khấu, được tặng thưởng huy chương Chiến sĩ văn hóa, huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam. Giờ đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày ông vẫn sáng tác tranh và còn mở một lớp học vẽ nhỏ cho các em khiếm thính.
Lớp học đặc biệt của những người đặc biệt
Cơ duyên ông mở lớp cũng thật đặc biệt. Sau khi vợ mất, thấy ông đơn độc trong căn nhà nhỏ, một người bạn thân của ông đã gửi con gái khiếm thính của mình cho ông kèm cặp để phát triển năng khiếu hội họa của cô bé. Từ đó ông bắt đầu công việc dạy học đặc biệt của mình. “Tiếng lành đồn xa”, học trò truyền tai nhau đến rất đông.
...
...
Trước khi nhận dạy, ông có những bài kiểm tra đặc biệt bởi theo ông, “hội họa là nghệ thuật thị giác, vì vậy nét vẽ của các em phải mềm mại, có hồn cũng như có khả năng nhận thức về màu, hình khối tốt thì mới có khả năng theo học”. Vì sự tinh lọc này mà mở lớp đã 3 năm, nhưng đến nay ông mới nhận có 7 em khiếm thính theo học. Trong đó có một em đã thành nghề, mở cửa hàng nhỏ để bán tranh mình tự sáng tác, 4 em đang theo học hiện nay đều có những tác phẩm được yêu thích và bắt đầu bán được tranh.
Điều day dứt nhất trong trong suốt 3 năm dạy vẽ là khi có 2 em học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng dù được thầy Sinh giúp đỡ tiền học phí. Con đường thành tài của các em đều bị gián đoạn giữa chừng, do vậy với những học sinh sau này, ông luôn động viên phụ huynh cố gắng cho con theo học đến cùng để không bỏ phí tài năng của các em. 
Lớp học của ông không giống những lớp học bình thường khác. Trong căn phòng nhỏ yên tĩnh không một tiếng cười đùa hay thì thầm trò chuyện, chỉ có tiếng bút vẽ sột soạt chạy trên giấy. Ban đầu, thầy Sinh luyện vẽ hình họa, trang trí, rồi đến vẽ tranh sử dụng chất liệu sơn dầu, để hoàn thiện các em phải mất 3 năm học. Thầy Sinh chia sẻ: “Các em như một tờ giấy trắng, không có kiến thức nền về mỹ thuật vì vậy trong quá trình dạy học, tôi phải dạy từ những cái sơ đẳng nhất: nét vẽ, hoa văn rồi nâng dần độ khó: học vẽ tĩnh vật, cụm tĩnh vật, cách phối màu hợp lí rồi học vẽ chất liệu sơn dầu. Nói thì đơn giản vậy nhưng để các em đạt được như ngày hôm nay lại là cả một hành trình gian nan”.
 Do khiếm khuyết bẩm sinh nên hầu hết các em đều rất tự ti, nhút nhát khi gặp người lạ nên thầy trò phải mất một thời gian dài làm quen, tìm hiểu và tin tưởng nhau, nhưng khi thân rồi lại gặp khó khăn trong việc truyền đạt. Lớp học không giáo trình, chỉ có bút và giấy trắng để thầy trò giao tiếp với nhau. Có những từ chuyên ngành, tượng hình, rất khó giải thích, thầy trò phải nhờ đến sự giúp đỡ của mạng internet. Sau mỗi buổi học, thầy cùng các em ngồi lại để nhận xét, sửa bài. Bức tranh nào có tỉ lệ màu sắc chưa chuẩn, thầy sẽ hướng dẫn cách pha màu cho hợp lí, chuẩn xác.
Tuy chỉ giao tiếp trên giấy, với những câu từ mà các em còn nhiều hạn chế, chưa hiểu hết nhưng giữa những tâm hồn đồng điệu về tình yêu nghệ thuật ấy thì rào cản ngôn ngữ không phải là mối bận tâm. Chị Vũ Hồng Hạnh (Dư Hàng Kênh, Lê Chân) có con đang theo học ở đây vui mừng cho biết: “Cháu bị khiếm thính bẩm sinh nhưng “trời thương” cho cháu năng khiếu vẽ. Từ khi theo học lớp thầy Sinh, cháu tiến bộ và mạnh dạn hơn hẳn. Gia đình tôi mừng lắm, mong sao cháu được thầy kèm cặp thành người để sau này có cái nghề nuôi sống bản thân khi chúng tôi già yếu”.
Tham dự một buổi học mới thấy hết được sự đam mê của các em. Cô bé Quyên (19 tuổi, ở Lý Thường Kiệt, Hồng Bàng) bị vẹo cột sống nhưng tuần 3 buổi vẫn đến học vẽ với các bạn, vừa đi phẫu thuật chỉnh hình về nhưng em đã đến học ngay vì muốn hoàn thành bức vẽ còn dang dở. Trò chuyện với các em trên giấy, đọc những câu trả lời ngô nghê, đôi khi khó hiểu nhưng chúng tôi đều cảm nhận được sự yêu thích và hứng thú ánh trong mắt các em. Vũ Thế Tuấn - chàng trai duy nhất của lớp, người có sở trường vẽ tranh phong cảnh, đặc biệt là tranh động vật khá có hồn cho biết: “Em mong muốn vẽ đẹp như thầy giáo của em. Sau này khi học xong em muốn mở cửa hàng tranh của mình. Bán được tranh em sẽ để dành tiền cưới vợ”.
Ước mơ giản dị có phần ngây thơ đó của em làm người nghe không khỏi chạnh lòng. Các em sinh ra đều có số phận thiệt thòi nhưng được bù đắp bằng năng khiếu về hội họa. Hi vọng rằng, trong tương lai không xa, các em sẽ trở thành những họa sĩ chuyên nghiệp như “thầy Sinh của các em”.