Vũ Minh Hương, Ad
Đào (thứ 2 bên trái) là khách mời trong chương trình giao lưu của trường cấp 3 cô từng theo học |
10 tuổi mới vào lớp một, 23 tuổi là sinh viên năm nhất khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Hải Phòng, cuộc đời của Trần Thị Đào, sinh năm 1991, ở Thiên Hương, Thủy Nguyên, luôn chậm hơn các bạn đồng trang lứa một “nhịp”. Chậm nhưng cô không hề thua kém các bạn. Hành trình cô phấn đấu không ngừng nghỉ để thoát ra khỏi cái biệt danh “sinh vật lạ”, “người ngoài hành tinh” mà bạn bè gán ghép trêu chọc cũng như là hành trình hóa bướm xinh đẹp của một cô “sâu xấu xí”…
“Mẹ có hối hận khi sinh ra con không…?”
Là bào thai sinh đôi nhưng Đào không được may mắn như người chị gái của mình. Khi sinh ra cô đã yếu ớt, phát triển chậm so với người bình thường, 3 tuổi mới biết nói. “Hồi đó, bố mẹ tưởng em không biết đi, còn nghe người ta mách mẹo đập bao nhiêu cá quả vào chân để em đi được. Cả ngày, em cứ lê bệt đến mòn cả mông quần. Nhưng thật may mắn, 2 năm sau thì em cũng bắt đầu chập chững biết đi nhưng đi cũng không được ngay ngắn, thẳng thắn như người khác”, Đào tâm sự.
Năm 10 tuổi, khi người chị song sinh bước vào lớp 5 thì cô bé Đào lần đầu tiên mới được cắp sách đến trường. Kể từ đó, tuổi thơ hồn nhiên của cô bé bị xáo trộn, cô dần nhận thức được mình không giống như mọi người xung quanh. Các bạn cùng trường bắt đầu chú ý đến cô, coi cô như thể người ngoài hành tinh, như sinh vật lạ khiến cô giờ ra chơi chẳng dám ra ngoài. Cô buồn bã kể lại: “Vậy mà mọi người cũng không tha, cứ kéo đến cửa lớp và nhìn em chỉ trỏ, lúc đó em chỉ biết cúi mặt xuống bàn tránh ánh mắt của mọi người.
Tan học, họ còn theo sau em, gọi em là con ngố, con nghếch, con khoèo, rồi còn cố tình giả giọng ngọng nghịu của em và cười lớn. Ngày đó em cũng lì thật, bị trêu chọc nhưng chưa lần nào khóc trước mặt những người đó. Có lần bị trêu, tủi thân quá, em về nhà kể với mẹ và khóc nức nở: “Mẹ có hối hận khi sinh ra con không?”. Mẹ quát: “Mày điên à, suy nghĩ linh tinh, đứa nào thì cũng là con của mẹ, hối hận cái gì chứ”. Bị quát nhưng em vui lắm vì biết mẹ thương em nhiều thế nào”.
Bỏ ngoài tai lời trêu chọc của bạn bè, Đào chăm chỉ luyện đọc, luyện viết, phấn đấu trở thành học sinh khá trong lớp. Để viết chữ thành thạo, cô gặp không ít khó khăn. Do tay phải co cứng, không cử động theo ý muốn, nhiều khi còn bị giật mạnh nên cô phải nỗ lực rất nhiều mới thạo tay trái. Thời gian đầu, Đào phải “đánh vật” với từng con chữ, nhiều khi di chuyển cả người theo từng nét bút mà vẫn không tài nào rèn được nét chữ dứt khoát, ngay ngắn dễ đọc.
Học viết đã khó nhưng học phát âm với Đào còn khó khăn hơn gấp bội. Đào chia sẻ: “Có lúc cố gắng phát âm mà em bắn cả nước bọt ra ngoài. Nhiều lúc thấy thương thầy cô và bạn bè khi phải mệt mỏi dịch chữ, dịch tiếng của em. Hồi lớp 1, em luôn ao ước được cô giáo bắt tay tập viết nhưng không được vì em toàn viết tay trái”. Giờ đây, khả năng viết chữ tay trái hay thậm chí là đánh máy bằng một tay của Đào không khác gì một người bình thường sử dụng hai tay.
Khiếm khuyết về xương hàm và cơ mặt khiến cho Đào không thể phát âm tròn vành rõ chữ, chỉ ê a những tiếng khó nghe, mất rất nhiều thời gian mọi người mới quen và dịch được khẩu hình của cô. Bởi vậy, Đào luôn ngại giao tiếp, không dám giơ tay lên bảng hay nói chuyện với bạn bè. Nhiều khi nói một câu mà mọi người phải hỏi đi, hỏi lại mới hiểu nên cô càng ngại bày tỏ ý kiến của mình. Càng lớn, Đào càng sống khép mình lại. Cô dần làm quen với máy tính, với mạng internet - nơi mà mọi người không biết mình là ai để “xả” những ấm ức, những tủi hờn, để giải tỏa những căng thẳng mỗi khi đến trường và nhận những lời động viên, an ủi từ những người xa lạ.
“Hạnh phúc sẽ mỉm cười”…
Trong suốt thời gian đi học, Đào luôn cố gắng học giỏi như chị gái song sinh của mình. Năm cô học lớp 8 thì chị gái (bằng tuổi) vào đại học và cô đã đặt ra mục tiêu cho mình là phải bước chân vào giảng đường đại học, mặc dù nhiều người, trong đó có cả bố cô, nói điều đó quá là viển vông. Bố mẹ cô vì chuyện này mà không ít lần to tiếng với nhau. Cứ mỗi lần như thế, Đào chỉ biết tủi thân khóc và tự hỏi “Tại sao bố lại không tin mình, tin vào con đường mình đang chọn để sau này có thể tự bước đi một mình”. Tờ giấy báo nhập học vào trường ĐH đã biến ước mơ của Đào thành sự thật. Cô đã chứng minh cho bố thấy cô có thể đi được bằng đôi chân của mình trên chặng đường dài sắp tới.
Đào bên người thầy cô yêu quý và kính trọng nhất |
“Vạn sự khởi đầu nan”. Ngày đầu tiên nhập học, trong đợt khám sức khỏe, bác sĩ kết luận Đào bị “rối loạn vận động”, không thể điều chỉnh hành vi của mình; nhất là khi gặp người lạ, cô căng thẳng tới mức đầu lắc đi lắc lại nhiều lần, chân tay luống cuống, khua khoắng lung tung, gây ấn tượng xấu. Nhà trường đã không đồng ý cho cô nhập học ngay mà để xem xét lại. Đào chia sẻ: “Em ra về trong nức nở, trong bao ánh mắt tò mò.
Trong 2 ngày chờ đợi, em đã khóc rất nhiều, tủi thân, tuyệt vọng vì nghĩ rằng mình sẽ không được nhập học. Em tưởng rằng cánh cửa đại học đã đóng sầm trước mặt mình rồi. Ngày hẹn tới, em đến trường trong lo lắng, căng thẳng nhưng rồi cũng ổn vì em đã chứng minh cho thầy cô thấy có thể sử dụng máy tính thành thạo như mọi người. Niềm vui vỡ òa lần thứ 2 - sau tin đỗ đại học, em vui đến phát khóc”.
Chia sẻ về việc học, Đào cho biết dân công nghệ thông tin phải sử dụng được cả 10 ngón trên bàn phím, mà cô chỉ sử dụng được tay trái và cũng không sử dụng được cả 5 ngón. Đó là lí do ban đầu nhà trường không có ý định cho cô nhập học. Đào cũng từng thử cầm bút tay phải, gõ phím bằng hai tay nhưng càng chậm thêm nên cô cố gắng học thuộc thứ tự các phím và nỗ lực tập gõ nhanh những bạn gõ bình thường ở lớp.
Cuộc sống sinh viên xa nhà Đào thích nghi không quá khó khăn, chỉ có việc đi chợ, đi mua sách vở, đồ dùng… gặp chút rắc rối vì người lạ không hiểu cô muốn nói gì. Các bạn cùng lớp luôn thông cảm, đối xử tốt với cô, giúp cô hòa đồng với mọi người. Song đôi khi Đào vẫn không tránh khỏi bị các bạn khác lớp trêu chọc nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả. Ám ảnh tuổi thơ đã khiến cô “chai lì” trước những lời khiếm nhã đó. Với sự năng động của tuổi trẻ, Đào tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện ở địa phương và còn làm admin cho một trang thông tin chuyên giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của quê hương mình.
Một cô gái giàu nghị lực, yêu đời như vậy nhưng khi nói đến tình yêu lại có phần rụt rè: “Một đứa như em, có lẽ tình yêu là thứ quá xa xỉ. Song, con người ai cũng có trái tim, cũng biết rung động. Em cũng đã từng thích một người nhưng không dám nói cho ai biết cả, kể cả mẹ em. Cái thứ tình cảm phải dồn nén, nó khiến em khóc một mình nhiều đêm. Em trách mình sao không thể yêu người đó. Em cũng đã từng nghĩ đến việc biến mất hoàn toàn để không phải kìm nén. Nhưng rồi việc học cũng làm em quên hết, giờ em không để tâm đến tình yêu nữa. Nói như vậy, chỉ là lời nói của ý trí, tim em vẫn hy vọng có một người yêu con người em chứ không phải vẻ ngoài của em. Khá viển vông phải không chị?”.
Điều đó có thể không viển vông chút nào, một cô gái tốt đẹp như em xứng đáng có một người yêu thương, trân trọng lắm, tôi thầm nghĩ./.