Vũ Đức Tâm, Ad
Theo đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014 - 2015”, toàn bộ nội dung của sách giáo khoa truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh và cài đặt vào máy tính bảng, tạo ra sự tương tác, giúp học sinh dễ học, dễ hiểu, không phải di chuyển nặng nề... Kinh phí thực hiện khoảng 4.000 tỉ đồng. Trong số 327.127 học sinh lớp 1 đến lớp 3 có 5.334 học sinh thuộc diện chính sách sẽ được ngân sách TP hỗ trợ, số còn lại phụ huynh tự trả kinh phí mua sắm bộ thiết bị bao gồm một bút chấm đọc điện tử và một máy tính bảng có giá từ 3 - 5 triệu đồng, tùy kích thước và cấu hình. (Báo Thanh Niên Online, 21/8/2014)
Dự kiến hơn 300.000 học sinh lớp 1 đến lớp 3 của TP.HCM sẽ sử dụng máy tính bảng để học sách giáo khoa điện tử - Ảnh: Bích Thanh (Thanh niên Online)
Sau khi đề án này được thông qua thì các bước đi tiếp theo sẽ là: đấu thầu hay chỉ định nhà thầu tiến hành "số hóa" sách giáo khoa; đấu thầu chọn nhà thầu cung ứng thiết bị (máy tính bảng, bút chấm đọc điện tử). Dù là đấu thầu hay chỉ định thầu thì cỡ 10% hoa hồng sẽ được thối lại là mức bình thường. 10% của 4.000 tỉ đồng là một con số không đến nỗi nhỏ lắm.
Thật ra, nếu đó là tiền lấy từ ngân sách thì không có gì phải bàn về khoản này khác, vì bàn cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Đằng nào thì tiền thuế của dân cũng đã nộp vào tay nhà nước, không ngành này tiêu thì ngành khác tiêu cũng thế thôi, khó có thể tránh được khoản nọ kia. Nhà nước đã có đủ các cơ quan quản lý tiền nong ngân sách, có thanh tra, công an kinh tế, kiểm toán của Quốc hội... để lo việc đó. Dân biết dân bàn tức là dân phải giao phó cho họ quản lý lẫn nhau hộ dân mà thôi!?
Tuy nhiên, đây là tiền ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh định huy động trực tiếp từ dân. Mà dân thì có người giàu, người nghèo. Nhưng dù giàu hay nghèo thì con em cũng vẫn phải cắp sách đến trường. Và thế là đương nhiên bắt buộc vẫn phải sắm máy tính bảng. 3-5 triệu đồng với người giàu không đáng gì. Nhưng 3-5 triệu đồng cho từ 1-2 đứa con với người nghèo chắc chắn là gánh nặng méo mặt.
Như vậy ở đây, quyền đã sinh ra tiền một cách hết sức ngọt ngào và chua chát, nhân danh tiến bộ xã hội.
Có một cách khác thiết thực nhất để thực hiện phương châm Dân biết, Dân bàn là hỏi ý kiến dân về việc dân có muốn tiêu tiền từ trong túi của mình (hoặc phải đi vay từ túi của người khác) cho việc mua sắm máy tính bảng cho con học tập không?
Đấy là cách "thấu lý đạt tình" nhưng không biết ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh có muốn, có đủ dũng khí làm như thế không mới là điều quan trọng?