7.8.14

Làm báo sao cho độc đáo

Cựu biên tập viên chương trình Today, Kevin Marsh, chia sẻ về những kỹ năng cần trau luyện nhằm giúp bạn có thể làm tin bài hay, độc đáo.
Cẩm nang này dựa trên một loạt bài giảng và các buổi hội thảo nhỏ do cựu biên tập viên chương trình Today, Kevin Marsh, biên soạn cho các phóng viên của BBC.
Đây chính là lý do vì sao chúng ta chọn nghề này. Cụm từ ‘báo chí độc đáo, hoàn toàn mới’ gần như là một nguyên lý – hay chí ít thì cũng nên như vậy. Nghề làm báo là nghề kể cho người ta nghe một chuyện gì đó mới mẻ, bắt trọn tâm trí, một điều làm người ta phải chú ý ngay. Tất cả các nhà báo – thậm chí cả những cây bút được chúng ta ngưỡng mộ - đều quan tâm tới việc bài của họ độc đáo đến mức nào, câu chuyện tiếp theo sẽ là gì.
Việc làm báo nhằm tạo ra được sự độc đáo từ nguyên gốc đòi hỏi phải có kỹ năng. Một kỹ năng mà bạn có thể học nhưng cũng là điều mà nhiều người trong nghề đều nghĩ rằng việc áp dụng được nó thì khó hơn nhiều.
Nhà báo bây giờ phải viết nhiều bài hơn so với cách đây vài năm. Áp lực viết bài có thể khiến bạn nghĩ rằng nghề báo thật ra chỉ là xử lý thông tin chứ không phải là tìm ra hoặc điều tra một câu chuyện nào đó từ gốc rễ. Bên cạnh đó, biển thông tin vô tận và thông tin sai lệch truy cập được qua mạng có thể làm rối loạn bất cứ ai muốn tìm đến sự thật.
Tư duy và thói quen
Tạo ra được sự độc đáo từ nguyên gốc đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và cách ứng dụng. Việc này không dành cho những người nửa vời vì rất cực nhọc, không phải trong vòng vài ngày là xong mà phải làm liên tục. Như thế tức là bạn phải thay đổi tư duy và một điều khá chắc chắn là phải thay đổi các thói quen cố hữu.
Làm được hay không là tùy ở bạn thôi.
Tính tò mò
Trong lúc biên soạn các bài giảng và thực hiện các buổi hội thảo nhỏ, tôi đã nói chuyện với nhiều biên tập viên, phóng viên, người làm chương trình và chuyên viên nghiên cứu giàu kinh nghiệm của BBC.
Tò mò là thứ mở ra mọi câu chuyện để nhà báo bước vào điều tra. Không có trí tò mò thúc đẩy thì bạn chỉ phí thời gian mà thôi. Chính trí tò mò kích thích bạn đi săn các câu chuyện.
“Nếu bạn chưa bao giờ bước vào nơi làm việc với một câu chuyện của riêng mình thì hãy bắt đầu lại ngay việc tập luyện nghệ thuật săn tin.”
Sau đây là lời khuyên thẳng thắn của nhóm phóng viên BBC ở Belfast. Một người kể về một đồng nghiệp là biên tập viên.
“... Ông ấy đi hết cả một con phố và tự thách thức mình xem liệu cứ đi 500 thước là có thể tìm ra ý tưởng về bài vở nhiều hơn những người khác hay không. Nào là lượng rác thải, quy định đậu xe, nào là số xe mới, những người soát vé đậu xe, quán cafe đầy khách hút thuốc lá vì ở sở làm thì bị cấm, quán hàng cái đóng cửa, cái mở cửa, mấy kẻ ăn xin ai cũng có trong lòng một tâm sự, rồi cả những công trình xây cất. Đã bao lần đi ngang các công trình xây dựng mà bạn chẳng buồn hỏi: ‘Các vị xây gì ở đó thế?’”
Còn một biên tập viên khác thì nói:
“Bạn phải là kẻ tò mò tới mức thấy một bức tường trống thì lập tức tự hỏi tại sao lại có thể có bức tường để trống như vậy.”
Câu hỏi vì sao... đi kèm ngay câu tiếp - vì sao không?
Vậy muốn luyện óc tò mò thì cần làm gì?
Dĩ nhiên là phải luyện nhưng hãy coi chừng: Nếu làm đúng răm rắp thì bạn sẽ biến mình thành một người khó chịu, gây bực mình trong mắt người xung quanh.
Hãy tìm cách phát triển tư duy của mình đến mức là bạn không thể không nghĩ ‘chuyện này nghe/trông có vẻ kỳ quái’ hoặc, ‘tôi tự hỏi không biết chuyện này thật sự là gì?’ khi nghe ai đó hoặc đọc một bài báo hay tạp chí, hoặc lúc tản bộ trên đường.
Hãy gò mình để nghĩ đến tất cả các câu hỏi có thể nghĩ tới lúc bạn thấy hoặc đọc được mà không có câu trả lời.
Hãy thực hành bằng cách đọc những bản tin ngắn trên báo – lấy bài ngắn nhất và hãy ép mình thử hỏi tất cả các câu hỏi mà bài báo đó chưa giải đáp được.
Hãy lắng nghe chính phản ứng của mình
Bạn hãy nghe chính phản ứng đầu tiên của mình trước bất kỳ sự việc hay sự kiện gì.
Hãy thử không thiên vị chỉ một chốc lát để khởi động đầu óc. Phản ứng đầu tiên hay suy nghĩ đầu tiên của bạn là gì? Liệu người khác có nghĩ như vậy không? Chuyện gì xảy ra nếu bạn đặt câu hỏi về chính phản ứng đó? Từ đó dòng suy nghĩ sẽ còn đưa bạn tới đâu?
Hãy cứ luyện như vậy hàng ngày. Nhờ thế, bạn sẽ có được kỹ năng nhìn ra một điều gì đó, hoặc liên tưởng với điều mà người khác chưa thấy.
Michael Crick của chương trình Newsnight của BBC2 nói:
“Ngay cả khi công việc đã thành thông lệ, gần như là lặp đi lặp lại, cũng vẫn cần tự hỏi: ‘Mình có thể đem lại điều gì mới vào câu chuyện?’”
Chuyện khởi động óc suy nghĩ một cách độc đáo là điều rất hay ở chỗ bạn không cần phải biết mọi thứ. Chỉ cần tò mò và tự hỏi mình.
Một biên tập viên kỳ cựu nhớ những ngày còn trẻ khi được cử đến làm việc ngắn hạn ở đài phát thanh địa phương ở miền bắc Anh:
“Tôi có biết gì đâu. Tôi chẳng biết thị trấn đó, không quen biết ai, không biết phải làm gì ngay. Đúng vào lúc đó, thủ tướng hồi đó, bà Thatcher bỗng dưng tuyên bố cấm vận về thương mại đối với Liên Xô sau khi nước này xâm lược Afghanistan. Sự kiện này xem ra không liên quan gì đến phần việc của tôi. Nhưng tôi cố tự đặt mình vào vị thế của giới kinh doanh ở địa phương. Tôi gọi đại cho ông giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu lớn nhất thị trấn. Ông ấy rất bực mình trước tin này vì chính ông lại là nhân vật có thế lực ủng hộ cho đảng Bảo thủ. Bài phỏng vấn đã dẫn đầu bản tin chính, rồi các phần phân tích, bình luận theo sau đã được đăng tải nhiều trên các bài báo địa phương và đài truyền hình trong vùng.” 
Theo Học viện Báo chí BBC